Indonesia lặng lẽ xích lại gần Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một dịp gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một dịp gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
TPO - Cuối năm 2019 và đầu 2020, Trung Quốc và Indonesia căng thẳng đến mức tưởng chừng sắp xung đột, sau khi các tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna. Nhưng đến nay, quan hệ này dần được hàn gắn và trở nên gần gũi hơn nhiều.

Đợt căng thẳng ở quần đảo Natuna lên đến mức Jakarta huy động các tàu cá, điều cả tàu chiến và các máy bay chiến đấu F-16 ra đối phó với các tàu Trung Quốc. Cuối cùng, Trung Quốc quyết định rút lui, dù thỉnh thoảng vẫn có những hành động xâm phạm.

Sau đợt cao điểm đó, quan hệ Trung Quốc – Indonesia được hàn gắn một cách lặng lẽ.

Nhà phân tích Derek Grossman, công tác tại hãng tư vấn RAND Corp., cho rằng điều này mang hàm ý địa chính trị sâu sắc đối với Mỹ và nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Có 17.000 hòn đảo trải dài từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, Indonesia với dân số đông thứ tư thế giới được Mỹ coi là một đối tác an ninh và kinh tế ngày càng quan trọng.

Trong khi đó, Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Indonesia để có một người bạn ở khu vực tranh chấp, để có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên của Indonesia, và có thể dùng Indonesia làm đối trọng chiến lược với Úc.

Giống như hầu hết các nước Đông Nam Á khác, Indonesia có theo đuổi chính sách đối ngoại không liên minh để tránh chọc giận cả Mỹ và Trung Quốc, trong khi có thể tranh thủ cả hai.

Ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc đã giúp quan hệ của nước này với Indonesia tan băng. Khi đại dịch bắt đầu lan khắp toàn cầu từ đầu năm 2020, Indonesia quay sang Trung Quốc để mua được các loại thiết bị bảo hộ cá nhân đang rất cần. Jakarta biết ơn vì điều đó.

Khi vắc-xin bắt đầu có từ cuối năm 2020, Trung Quốc cung cấp cho Indonesia hàng triệu liều vắc-xin Sinovac. Đến tháng 5 vừa qua, 90% trong tổng số 75,9 triệu liều vắc-xin mà Indonesia nhận được là từ Sinovac. Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiêm vắc-xin Sinovac trên sóng truyền hình trực tiếp, khi nhà đài quay cận cạnh vào ống vắc-xin in tên Sinovac nhằm thể hiện sự tin tưởng vào vắc-xin Trung Quốc.

Trung Quốc còn có kế hoạch giúp Indonesia trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu vắc-xin Sinovac của khu vực.

Trong khi đó, Indonesia tiếp tục hưởng lợi đáng kể từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc khi Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại số một của Jakarta. Xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc, chủ yếu là dầu mỏ, quặng sắt và dầu cọ, tăng liên tục từ năm 2019 đến 2020, nhưng nhu cầu của Indonesia đối với hàng hoá Trung Quốc giảm nhiều trong thời kỳ dịch bệnh. Điều này giúp cán cân thương mại đỡ lệch hơn về phía Trung Quốc. Việc cả hai nước tham gia vào hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể càng đẩy mạnh thương mại song phương.

Indonesia còn là một đối tác quan trọng của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai Con đường. Tháng 4 vừa qua, Bắc Kinh thông báo hoàn thành một cột mốc quan trọng trong dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung. Dù dự án này được triển khai từ năm 2015 và vấp phải nhiều phàn nàn về tình trạng chậm tiến độ, nhưng Indonesia vẫn cân nhắc thêm những đề xuất khác trong sáng kiến này, như đề nghị của Trung Quốc về việc rót vốn cho đập Lambakan ở Đông Kalimantan.

Trong cuộc điện đàm hồi tháng 4 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Jokowi được nói là đã gọi Trung Quốc là “người bạn và người anh tốt”.

Đầu tháng trước, Bắc Kinh thông báo sẽ đưa 3 tàu chiến đến hỗ trợ Indonesia cứu hộ con tàu ngầm KRI Nanggala bị đắm. Dù xác con tàu được tìm thấy ở khu vực eo biển Lombok nhạy cảm về địa chính trị và các tàu Trung Quốc có thể thu thập được những dữ liệu hải dương quan trọng trong chuyến đi cứu hộ thất bại này, nhưng Jakarta vẫn chấp nhận đề xuất cứu hộ miễn phí của Bắc Kinh. Washington cũng đề nghị giúp đỡ, nhưng Bắc Kinh nhanh chân hơn.

Sau đó, hải quân Trung Quốc và Indonesia tiếp hành một số cuộc tập trận chung ở vùng biển ngoài khơi Jakarta.

Ngày 5/6, Trung Quốc và Indonesia khai mạc “cơ chế đối thoại hợp tác cấp cao”, cho thấy Bắc Kinh và Jarkata đang muốn đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Phái viên của Tổng thống Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Quế Dương, tỉnh Quý Châu, để tái khẳng định sẵn sàng hợp tác.

Những diễn biến trên cho thấy quan hệ Trung Quốc – Indonesia không chỉ khôi phục mà còn phát triển hơn.

Ở chừng mực nhất định, tương lai quan hệ Trung Quốc – Indonesia còn phụ thuộc vào tình trạng quan hệ Mỹ - Indonesia. Cho đến rất gần đây, chính quyền Biden vẫn chưa làm gì nhiều với Đông Nam Á mà chủ yếu tập trung củng cố quan hệ với hai đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày 31/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sang thăm Indonesia trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á và có cuộc gặp Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã hai lần điện đàm với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto.

Nhưng Mỹ vẫn mắc một số sai lầm, như việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây không thể kết nối với hội nghị trực tuyến của ngoại trưởng các nước ASEAN với lý do "kỹ thuật". Khi đó, Ngoại trưởng Indonesia được nói là đã thất vọng đến mức không bật màn hình của mình trong khi chờ ông Blinken xuất hiện.

MỚI - NÓNG