Huy Cờ: Người đặt lời cho những khúc tráng ca

Nhà viết kịch Huy Cờ.
Nhà viết kịch Huy Cờ.
TP - Nhà viết kịch Huy Cờ có chất của một ẩn sĩ, tỷ mẩn, cặm cụi với từng con chữ. Mặc xã hội thay đổi từng giây, từng phút, ông vẫn nặng lòng, mải miết tìm về với những Đề Thám, Cai Vàng, bà Ba, Bá Phức, Đội Văn… để mong giải nghĩa những câu chuyện lịch sử đầy oai hùng ngày trước.

“Cha đẻ” của “Làng Thanh mở phố”

70 tuổi đời với hơn bốn chục năm gắn bó với nghiệp viết nhưng nhà viết kịch Huy Cờ (tên thật là Nguyễn Huy Cờ) không ồn ào, khoa trương với những thành tích, giải thưởng và những phát ngôn “gây sốc”. Ông ẩn mình trong một ngôi nhà nhỏ bé, ở một con ngõ cũng nhỏ bé của thành phố Bắc Giang để đánh vật với những con chữ, với những sự kiện lịch sử, những con người của muôn năm trước. Và những gì ông để lại cho đời không hẳn chỉ là những vở kịch, những cuốn tiểu thuyết mà quan trọng hơn là mong muốn các nhân vật của mình, những người anh hùng áo vải gần gũi hơn với cuộc sống đời thường, hay nói cách khác là đó là “văn học hóa” những câu chuyện lịch sử khô khan. 

Để có được gần bốn chục tác phẩm kịch đủ các thể loại tuồng, chèo, kịch nói… cùng với hàng loạt các tiểu thuyết đầy đặn như “Phố làng”, “Luật trời”, “Chủ soái Cai Vàng” và đặc biệt là bộ tiểu thuyết lịch sử “Rừng thiêng Yên Thế”, được coi như bộ sử thi lớn nhất từ trước đến nay về vùng đất lịch sử phía Tây Bắc Giang, nhà viết kịch Huy Cờ đã phải lao động một cách thực sự nghiêm túc và cật lực. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi trở thành nhà viết kịch kiêm nhà văn như thế, Huy Cờ từng là kế toán của một HTX mậu dịch thuở còn “hét ra lửa” rồi đi học về Thủy sản. Dường như “máu” làm ăn kinh tế trong ông không tồn tại mà trái lại, những day dứt về con chữ cứ ám ảnh ông để đến nỗi ông phải gác lại tất cả để đăng ký thi vào Tổng hợp Văn. Ra trường, về công tác tại Sở Văn hóa Hà Bắc, ông như cá gặp nước khi được đắm mình trong không khí nghệ thuật. Hàng loạt các tác phẩm kịch của ông đã được phôi thai và ra đời trong thời kỳ này như: “Nguyên phi Ỷ Lan”, “Quế Mị nương”, “Anh cán bộ dân quân”… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là kịch bản “Người con gái Kinh Bắc” đã được nhiều đoàn tuồng dàn dựng, công diễn và được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của sân khấu Tuồng Việt Nam.

Cùng với những biến thiên của xã hội, nghệ thuật sân khấu cũng dần bị thu hẹp lại, Huy Cờ không vì thế mà bơ vơ trong vườn văn học nghệ thuật. Trái lại, ông tìm thấy niềm vui lớn của mình qua việc viết tiểu thuyết. Tác phẩm đầu tiên của ông là tiểu thuyết “Phố làng”, một câu chuyện về làng quê đổi mới, vượt ra khỏi những lũy tre làng để vươn lên phát triển mạnh mẽ nhưng cũng ẩn chứa trong nó những mặt trái của xã hội cần lên án. Tiểu thuyết ngay lập tức được một hãng phim chuyển thể thành bộ phim “Làng Thanh mở phố” ầm ĩ dư luận cách đây gần hai chục năm nhưng ông không hề hay biết. Tình cờ được xem trên ti vi, ông lần tới hãng phim định “kiện” vì vi phạm bản quyền thì gặp một nhà văn có tiếng hiện nay chịu trách nhiệm nội dung về bộ phim ấy. Người này gặp ông thì vui sướng như bắt được vàng rồi kể lể, hãng phim đã phải mất bao nhiêu công để cho người đi tìm số điện thoại, địa chỉ liên lạc với tác giả để xin phép, trả tiền bản quyền nhưng không nhà xuất bản nào biết tìm nhà văn Huy Cờ ở đâu. Mọi bực dọc trong người tiêu tan hết, ông cũng cười xòa: “Âu cũng là vì mình “mới” quá với lại có tác phẩm được dựng thành phim là sự động viên lớn với mình rồi. Tính toán làm gì nữa!”.

Huy Cờ: Người đặt lời cho những khúc tráng ca ảnh 1

“Giải nghĩa” lịch sử

Nhìn vào các tác phẩm đã xuất bản của Huy Cờ, nhiều người có thể nhận ra, dường như ông là người “nặng nợ” với lịch sử. Những nhân vật trong các tác phẩm của ông đều là những nhân vật của lịch sử với những cuộc đời có thật, những khúc bi tráng đã được lịch sử soi rọi. Đó là những Cai Vàng, bà Ba Cẩn, Đề Thám, Đề Sặt, Bá Phức, Đội Văn, Đề Nắm… Nhưng Huy Cờ dường như chưa bao giờ muốn dừng lại ở những kiến thức khô khan đã có sẵn trong các tài liệu lịch sử giáo khoa mà trái lại, ông luôn thấy ở đó những số phận con người, những sự chuyển động của cả một đất nước, ở những giai đoạn lịch sử nhất định. Và, mỗi con người, mỗi chiến thắng hay thất bại của những nhân vật lịch sử đều được lý giải trong sự vận động chung với cách nhìn toàn diện, đa chiều.

5 năm trời, Huy Cờ mới tìm đủ tư liệu và viết xong bộ tiểu thuyết đồ sộ “Rừng thiêng Yên Thế” với 4 tập. Tác phẩm ngay lập tức được đón chào nồng nhiệt. Huyện Yên Thế đặt riêng 1.000 cuốn để quảng bá và biếu tặng những người đam mê văn học, lịch sử của vùng đất này. Đây cũng có thể coi là tác phẩm văn học lớn nhất, đồ sộ nhất viết về đề tài khởi nghĩa Yên Thế từ trước đến nay. Nhưng để có được tác phẩm ấy, Huy Cờ đã phải đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến những nhân vật này. Ông cũng lặn lội nhiều nơi trên vùng đất Yên Thế cổ để mong tìm ra được những căn cứ lịch sử, khoa học cho câu chuyện của mình nhưng những gì ông có không được như mong muốn. Ông đành phải lóc cóc bắt xe nhiều lần về Thư viện quốc gia, chấp nhận bỏ tiền ra “thuê” những thủ thư ở đó tìm những tư liệu riêng có về cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ông đặc biệt ấn tượng với những bản báo cáo, những bức thư của phía quân đội Pháp, chính quyền tay sai và những nhân vật được coi là “bán nước”, “phản động”… liên quan đến nội dung này. Chính vì thế, những nhân vật này xuất hiện trong những tác phẩm của ông đáng thương hơn là đáng giận. “Khi mình đã hiểu một cách đa chiều về cuộc khởi nghĩa này, đặt nó trong những diễn biến lịch sử chung của thời kỳ bấy giờ thì mình có thể giải nghĩa được những câu chuyện trong đó như vì sao Đề Sặt lại ra tay sát hại Đề Nắm? Lê Hoan ám sát Đề Thám như thế nào và với mục đích gì? Thực tế cái chết của Đề Thám ra sao? Nếu còn băn khoăn về những tình tiết thì sẽ không thể viết được.hoặc sẽ bị người khác phản biện”, ông chia sẻ.

Mò mẫm viết tay

Gia tài về văn học khá dày nhưng Huy Cờ thừa nhận yếu điểm nhất của ông là… không biết dùng vi tính, vẫn tự tay viết từng trang bản thảo. Tiểu thuyết hàng nghìn trang thì cũng từng ấy trang ông phải ngồi viết ra. Ông bảo, viết như thế khổ lắm nhưng bây giờ già rồi, cũng không ngồi gõ máy tính được. Tháng Hai vừa rồi, Huy Cờ vẫn xuất bản một tiểu thuyết nữa tên là “Người anh hùng của tam tỉnh” viết về Đội Văn, một thủ lĩnh lắm mưu, nhiều kế, quả cảm trong phong trào “Tam tỉnh nghĩa đoàn” của Nguyễn Thiện Thuật những năm cuối thế kỷ XIX. Huy Cờ chia sẻ, có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết cuối cùng bởi bây giờ sức khỏe của ông đã đi xuống nhiều. Hỏi ông có muốn nhắn gửi gì đến những cây viết trẻ hiện nay? Ông lại quay sang kể chuyện ở Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nơi ông đang sinh hoạt, chỉ có những hội viên là diễn viên thì trẻ, còn những nhà viết kịch thì toàn người già. Rồi ông trầm ngâm: “Những cây viết trẻ hiện nay nhận thức vấn đề rất nhanh nhưng cần phải rèn luyện cho mình sự cẩn thận và cái nhìn toàn diện, đa chiều của vấn đề. Tôi rất thích câu nói của một nhà phê bình: Không có tác phẩm cũ hay mới mà chỉ có tác phẩm dở và tác phẩm hay mà thôi…!”.

Viết chuyện sử bằng văn, Huy Cờ cũng gặp không ít rắc rối từ phía người nhà của những nhân vật được coi là “phản diện” trong tác phẩm của mình. Chính thống lên án bằng những cuộc điện thoại, gặp gỡ cũng có, mà bắn tin, đe dọa cũng có nhưng Huy Cờ tỏ ra khá bình thản với những áp lực kiểu như thế: “Ai gặp thì mình phân tích cho họ hiểu bằng các chứng cứ lịch sử từ cả hai phía, diễn biến lịch sử lúc bấy giờ. Nói chung khi được phân tích, họ đều hiểu ra và không có ý kiến gì nữa”. Nhưng cũng có những niềm vui khá đặc biệt, như câu chuyện gia đình của Cai Vàng và vợ ba Cai Vàng tìm được nhau, nhận lại họ hàng sau khi tác phẩm của ông công diễn. “Bây giờ hai gia đình vẫn thường xuyên gặp nhau và họ vẫn mời tôi tham dự. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người viết như tôi”, ông chia sẻ.  

MỚI - NÓNG