“Đây là một buổi hạ thủy rất đặc biệt, nó không chỉ là một con tàu ra khơi mà là cả gia sản, tâm huyết, trái tim và ý chí của vợ chồng. Bằng mọi giá, phải đưa con tàu mới trở lại Hoàng Sa một cách sớm nhất” - chị Hoa xúc động nói. Càng đặc biệt hơn, vợ chồng chị Hoa chủ ý chọn “ngày tốt”, chỉ sau 2 ngày kỷ niệm 41 năm Hoàng Sa bị cưỡng chiếm (19/1/1974 - 19/1/2015). Hoàng Sa trong tim muôn triệu người dân Việt luôn vẫy gọi…
Thông điệp
Áp xuân, trời Đà Nẵng khá trêu ngươi, sáng tối lạnh cắt, trưa lại nắng cháy da người. Vợ chồng chị Hoa có mặt ở đà (nơi đóng tàu) khá sớm. Hương đèn nhang khói, cúng vái thủy thần… xong xuôi cả khi chưa tỏ mặt người. Hôm qua là ngày trọng đại, không chỉ của gia đình chị Hoa anh Vốn mà còn của cả ngư dân miền Trung. Con tàu ĐNa 90657 sẽ xuống nước, sắp tới ra Hoàng Sa, nối tiếp nhiệm vụ mà “người anh ĐNA 90152 của nó còn dang dở. “Hơn 5 tháng, kể từ ngày khởi công đóng con tàu ngàn mã lực này, chị đếm từng phút để được chứng kiến giây phút này. Chị chỉ muốn nói rằng, vợ chồng chị không gục ngã.
Nghĩa là, ngư dân Việt Nam không thể bị bất kỳ thế lực nào bẻ gãy khát vọng vươn khơi Hoàng Sa, đòi lại chủ quyền. Có được ngày hôm nay, cho chị xin gửi lời cảm tạ đến tất cả những ai đã quan tâm”.
Nhớ lại 8 tháng trước, ra Hoàng Sa đánh bắt ở vùng biển Trung Quốc đưa phi pháp giàn khoan Hải dương 981, thực tế là những chuyến đi đầy bão táp. Chị Hoa anh Vốn quyết tâm cho cả hai tàu của mình ra khơi, gồm ĐNa 90152 và ĐNa 90508. “Lỳ đòn” như ông Nguyễn Văn Còn B, chủ tàu ĐNa 90039, con tàu chở PV Tiền Phong ra Hoàng Sa, cũng phải le lưỡi: Phục thằng Vốn một thì phục vợ nó, con Hoa mười.
Nếu chỉ nghĩ cho mình, vợ chồng nó đã cất một tàu ở nhà. Nên nhớ, mỗi chiếc không dưới 5 tỷ, là gia sản chứ chẳng chơi. Nhưng nếu ai cũng vậy thì đâu tập hợp đội hình tàu bè chúng ta trùng trùng kéo ra Hoàng Sa”. Ngày 26/5/2014, khi phóng viên vừa rút khỏi tàu cá được vài ngày, tàu ĐNa 90152 lâm nạn. Trên thực tế, 4 chiếc “liều” nhất là ĐNa 90039, ĐNa 90508, ĐNa 90305 và ĐNa 90152 được “đưa vào tầm ngắm”. Sáng hạ thủy, ông Còn B cũng có mặt, phấn khởi: Tốt quá rồi, đầu năm sẽ tiếp tục được kết nối cùng nhau trên Hoàng Sa”.
Gạt qua nỗi đau khi nhìn “đứa con” ĐNa 90152 được kéo về bờ, rách nát tả tơi, được tiếp thêm sức mạnh bởi sự quan tâm của cả nước, vợ chồng chị đóng mới con tàu ngay sau đó chưa đầy 3 tháng. “Vì sao tui nóng ruột ư? Vì con tàu ĐNa 90152 chìm cũng đã khá lâu rồi, người dân cả nước người ta hỗ trợ thế, tui không đóng mới tàu sớm sớm thì phụ lòng trông đợi của mọi người. Nhưng điều quan trọng hơn, sợ ai đó nghĩ mình đã gục ngã ý chí”. Chị Hoa kể, cú đâm của tàu phá Trung Quốc quả là quá hung hãn và đầy dã tâm nhưng trong mắt chị, va chạm cũng chỉ là va chạm mà thôi, không thể tránh được. “Ngang ngược, hung bạo, cái đó tui để báo chí, những chuyên gia, học giả nước ngoài họ đánh giá, vì ĐNa 90152 giờ đây đã là lịch sử. Tương lai của tui là đây, đôi tàu ĐNa 90657 và ĐNa 90508. Cú va chạm đó không thể bẻ gãy được ý chí của ngư dân” - anh Trần Văn Vốn đanh thép.
Như minh chứng cho những suy nghĩ của mình, anh Vốn kể, con tàu đóng mới phải to, đẹp, chắc chắn và mạnh hơn tàu cũ. “Nó đâm mình ngã xuống, mình sẽ đứng dậy mạnh hơn”.
Tàu ĐNa 90657 lừng lững, chiếm một diện tích khá lớn ở đà. Cờ đỏ sao vàng phần phật trong gió. Tàu nặng tới gần 50 tấn, công suất gần 1.000 CV, dài 21,5 m, rộng 6,2 m, cao 3,5 m với tiền đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Riêng các khoang chứa hải sản lên tới 40 tấn. Trên khoang lái được trang bị hiện đại, có tivi tinh thể lỏng để giải trí. Khoang thuyền viên, sạch sẽ thơm tho… “Nó có thể chịu được sóng cấp 11, còn những ẩn họa khác, không ai có thể nói trước được. Nhìn trên bờ, thấy “khủng” như thế, nhưng ra giữa trùng khơi đối diện tàu cá Trung Quốc, tàu gỗ ngư dân mình mỏng manh, như tí hon trước những gã khồng lồ. Điều quan trọng là ý chí mình không gục ngã” - anh Vốn tâm sự.
Đòi lại phần máu thịt
Tôi hỏi chị Hoa, có phải nôn nóng hạ thủy sớm đúng dịp 41 năm Hoàng Sa thất thủ không, chỉ nhận được nụ cười ý nhị, với câu nói tránh: “Chỉ biết rằng, anh chị và tất cả những ngư dân, mãi mãi quyết bám trụ Hoàng Sa”.
Cả thế giới cùng hướng về biển Đông, mà đa phần, từ cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân, nhà báo, học giả… đều xuất phát hoặc có mặt ở Đà Nẵng. “Cuộc đấu tranh pháp lý sẽ còn nhiều cam go và thử thách, nhưng chúng ta không bao giờ chùn bước”. Trong cuốn sách Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt của Việt Nam vừa được xuất bản mới đây, TS Đinh Công Vỹ, kết luận: “Với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể và không bao giờ được dùng từ tranh chấp. Đó là phần lãnh thổ máu thịt không thể tách rời của Việt Nam. Kẻ nào lấn chiếm, động đến Hoàng Sa là đồng nghĩa với hành động xâm lược…”.
Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ, người mới đây nói rằng, vẫn còn nhiều cái “thẹn” với lòng mình vì chưa làm được nhiều cho Hoàng Sa, tin tưởng vào tương lai: Nhìn thấy 87 ngàn bức thư học sinh viết về Hoàng Sa đầy tâm huyết, thấy hàng ngàn ngư dân, như anh Vốn, chị Hoa, sóng cả không ngã tay chèo; rồi bao chiến sĩ kiểm ngư, cảnh sát biển ngày đêm kiên trung bám biển và mới đây là chí khí của các cụ, những bậc lão thành từng công tác ở Hoàng Sa, tôi lại trào dâng niềm tin tưởng, bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng, dù khó đến đâu nếu đoàn kết, quyết tâm thì không việc gì là không thể.
Chị Hoa kể, đóng tàu vào mùa Đông, mất gấp rưỡi thời gian so với bình thường. “Tiến độ nhích từng tí một mà ruột gan như lửa đốt. Sợ rằng sẽ không xong được để hạ thủy trong dịp này. Phải nói một điều là tình cảm của lãnh đạo, từ thành phố tới Trung ương cũng như sự quan tâm chia sẻ của người dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm rất lớn. Nếu không có những hỗ trợ, chia sẻ thì không thể có con tàu này” - anh Vốn, tiếp lời.