Ho gà dễ nhầm với bệnh cúm thông thường

Tiêm vaccine- biện pháp phòng bệnh ho gà hữu hiệu. ảnh: P. V
Tiêm vaccine- biện pháp phòng bệnh ho gà hữu hiệu. ảnh: P. V
Ngoài những nguy cơ về cúm gia cầm và cúm trên người trong mùa đông - xuân thì gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ vào viện trong tình trạng suy hô hấp do ho gà dai dẳng.

Cần tiêm đầy đủ vaccine cho trẻ

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện ghi nhận 9 trẻ mắc ho gà, trong đó có 4 trường hợp tại Hà Nội, còn lại đến từ Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một ca ho gà vào điều trị và đã được xuất viện.

Theo TS.BS Lê Hồng Hanh- Phó Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh ho gà biểu hiện lâm sàng khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài. Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn, ở giai đoạn đầu, bệnh nhi ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ, thường ho nhiều về đêm. Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó do triệu chứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường. Ở giai đoạn toàn phát từ 1-2 tuần kế tiếp, bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Những cơn ho khiến trẻ cảm giác không thở được, người tím tái dẫn đến kiệt sức. Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm. Trước đây, khi chưa được tiêm phòng ho gà, tỷ lệ trẻ em mắc căn bệnh này khá nhiều, bởi đây là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Theo TS.BS Lê Hồng Hanh, hiện nay, tiêm vaccine là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm đầy đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 phòng bệnh ho gà theo đúng độ tuổi. Ngoài ra, để phòng các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc với trẻ, người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh.

Bệnh mới chỉ xảy ra rải rác

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, qua kết quả điều tra trong cộng đồng thì bệnh này mới chỉ xảy ra rải rác, chưa thành ổ dịch tập trung. Bệnh xuất hiện phần lớn ở trẻ chưa đến 2 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh này) nhưng cũng có những trẻ 3- 4 tháng tuổi hoặc nhiều hơn mắc bệnh do chưa tiêm chủng. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ho gà của cả nước đạt trên 90%. Với tỷ lệ tiêm chủng như trên, theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, ho gà có thể xảy ra nhưng khó thành dịch lớn.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cũng cho rằng, với những trẻ không được tiêm đúng lịch, có nguy cơ mắc cao khi đã hết miễn dịch từ mẹ. Do đó, tất cả trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu không tiêm chủng đúng lịch sẽ dễ bị mắc bệnh sớm hoặc có nguy cơ phơi nhiễm cao, đặc biệt là với các bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh ho gà có thể dẫn đến các biến chứng về hô hấp, viêm phổi…Một số trường hợp nặng có thể tử vong.

Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt gia cầm bị bệnh

“Mùa đông - xuân rất thuận lợi cho việc lây truyền các chủng virus, vi khuẩn, dịch bệnh  qua đường hô hấp, vì vậy cần rốt ráo phòng chống bệnh trong thời điểm này”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người (ngày 28/1) tại Hà Nội.

Hiện nay, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới. Số ca mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam, gần biên giới nước ta.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 tuần đầu của tháng 1/2015, Trung Quốc đã ghi nhận 16 ca mắc với 3 ca tử vong. Như vậy từ ca mắc đầu tiên vào năm 2013 đến nay, thế giới ghi nhận 486 trường hợp mắc cúm A/H7N9, 185 người tử vong.

TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Một vấn đề rất đáng quan tâm là xét nghiệm hơn 600.000 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm tại Trung Quốc nhưng chỉ phát hiện 53 mẫu dương tính. Số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn nhưng số mẫu dương tính không cao, vì thế rất khó để phát hiện được nguồn bệnh”.

Tại cuộc họp, đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng nhấn mạnh: Tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều chủng cúm mới xuất hiện, cúm A/H5N1 lưu hành rộng do nhiều nguyên nhân như: Thời tiết thất thường làm giảm sức đề kháng của gia cầm; hoạt động giết mổ vận chuyển gia cầm gia tăng vào dịp Tết; nhiều đàn gia cầm hết miễn dịch hoặc nuôi mới; hoạt động nhập lậu gia cầm chưa được ngăn chặn tuyệt đối...

Đặc biệt, các chủng cúm phức tạp, khó tiên đoán có khả năng lan truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra nên người dân phải hết sức cảnh giác. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên ăn tiết canh, khi giết mổ gia cầm phải có bảo hộ lao động.   

Theo Thiện Ân
Theo Theo Giadinh.net.vn
MỚI - NÓNG