Hẹn hò livestream ‘nở rộ’ ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để xây dựng các mối quan hệ, việc hẹn hò trên các kênh phát trực tiếp ngày càng phổ biến. Cung cấp dịch vụ mai mối, những kênh như vậy đang thu hút hàng nghìn người độc thân tràn đầy hy vọng mỗi ngày.

Cứ mỗi 3 phút, lại có một người tham gia mới vào phòng chat trên buổi livestream (phát trực tiếp) của Huang Wenyi. Khi họ vào, Huang - một sinh viên y khoa 25 tuổi, đặt ra những câu hỏi về cuộc sống, yêu cầu và mong muốn của họ.

Đây là một trong những hiện tượng mới đang lan rộng khắp mạng xã hội Trung Quốc: hẹn hò qua các buổi livestream, nơi những người độc thân đầy hy vọng tìm kiếm sự kết nối.

“Chúng tôi gọi đó là mở những chiếc hộp bí mật,” Huang, đến từ thành phố Thành Đô, nói với Sixth Tone. “Mọi người thích xem người khác đi hẹn hò hoặc giúp đỡ ai đó đi hẹn hò. Nó giống như xem If You Are The One – một gameshow hẹn hò từng thống trị truyền hình cuối tuần ở Trung Quốc”.

Buổi phát trực tiếp của Huang, có tiêu đề “Những cuộc hẹn hò chất lượng cao”, được phát trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu, chủ yếu thu hút những người trẻ ở độ tuổi 20.

Theo tờ Legal Daily, 66 buổi phát livestream hẹn hò đã được tung ra trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua hồi tháng 2 trên khắp 8 tỉnh, mỗi tỉnh thu hút trung bình hơn 15 triệu người xem.

Hẹn hò livestream ‘nở rộ’ ở Trung Quốc ảnh 1

Ảnh chụp màn hình từ một ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Ảnh: The Paper

Trên Douyin – được coi là TikTok phiên bản Trung, những người mai mối chuyên nghiệp, được gọi trong tiếng Trung là hongniang, đã tung ra các kênh phát trực tiếp, bao gồm người xem ở nhiều lứa tuổi, bao gồm cả tuổi trung niên.

Dữ liệu từ ứng dụng hẹn hò nổi tiếng Soul tiết lộ rằng, nền tảng trực tuyến hiện là một trong những kênh quan trọng nhất để thế hệ trẻ xây dựng mối quan hệ, với 45% mở rộng mạng xã hội của họ thông qua tương tác kỹ thuật số.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2022, tỉ lệ người chưa kết hôn trong độ tuổi 25-29 là 56,9% và độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Trung Quốc tăng lên 28,7 vào năm 2020, tăng 3,78 năm so với năm 2010.

Khi ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để tạo kết nối mới, quá trình chuyển đổi cũng làm dấy lên mối lo ngại về tính xác thực của thông tin cá nhân được chia sẻ trực tuyến, có khả năng dẫn đến rủi ro lừa đảo.

Nhiều trường hợp người mai mối hợp tác với những người tham gia để lừa dối người khác bằng cách thao túng thông tin cá nhân, gây thiệt hại tài chính hàng chục nghìn nhân dân tệ.

Huang thừa nhận những hạn chế trong việc xác minh thông tin của khách hàng trên các buổi livestream của mình và cho biết cô thường nhắc nhở khán giả luôn thận trọng về dữ liệu cá nhân và tài chính.

Bất chấp những lo ngại này, nền tảng của cô đã giúp kết nối 5 cá nhân kể từ tháng 1.

“Tốc độ của những buổi hẹn hò như vậy rất nhanh, nhưng mối quan hệ tiến ra sao tùy thuộc vào từng cá nhân liên quan. Chúng tôi chỉ tạo cơ hội cho mọi người gặp nhau. Điều gì xảy ra tiếp theo, đặc biệt là ngoài đời thực và cách họ quyết định tiến về phía trước, là lựa chọn của họ,” cô giải thích.

Mai mối 2.0

Hồi cuối tháng 1, sau kỳ thi tuyển sinh sơ bộ sau đại học, Huang bắt đầu livestream để chia sẻ về quá trình luyện thi và kinh nghiệm làm việc.

Nhưng cô sớm nhận thấy rằng các cuộc thảo luận thường xoay quanh các mối quan hệ cá nhân, điều này giúp thu hút lượng khán giả lớn hơn, tăng mức độ tương tác của người xem và nâng cao khả năng phổ biến của cô trên mạng.

“Tôi thường livestream trong khoảng thời gian từ 9 giờ tối, và khoảng 1 giờ sáng, nhưng đôi khi có thể muộn đến 3 giờ sáng nếu cuộc thảo luận sôi nổi. Một lần, để đáp lại yêu cầu của mọi người, tôi đã tổ chức một buổi phát sóng kéo dài 72 giờ, thậm chí còn mời một người đồng dẫn chương trình,” cô nói.

Theo nền tảng phân tích Newrank của Xiaohongshu, các buổi phát sóng này thu hút khoảng 110.000 lượt xem mỗi đêm, đạt đỉnh điểm là khoảng 1.000 người xem trực tiếp.

Hẹn hò livestream ‘nở rộ’ ở Trung Quốc ảnh 2

Ảnh chụp màn hình từ một ứng dụng hẹn hò. Ảnh: Xiaohongshu

Người xem bắt đầu bằng cách đăng ký một suất trong buổi livestream. Mỗi người mới có cơ hội chia sẻ thông tin cơ bản của mình, gồm vị trí, trình độ học vấn, nghề nghiệp, sở thích và những gì họ đang tìm kiếm, thậm chí có thể lựa chọn thể hiện tài năng như ca hát hoặc chơi nhạc cụ.

Phần giới thiệu thường kéo dài từ 3 – 5 năm phút, dù không giới hạn thời gian. Mọi người có thể kết nối với những vị khách mà họ thấy thú vị bằng cách theo dõi hồ sơ mạng xã hội của họ và gửi tin nhắn riêng tư.

Khi livestream, những người tham gia thường nói đôi chút về trình độ học vấn của họ: khách của Huang bao gồm cả tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên, giám đốc điều hành ngân hàng và những nhân viên văn phòng.

“Hầu hết những người tham gia đều sinh vào những năm 1990 và 2000, trong đó độ tuổi 20 chiếm gần 40% số người tham gia. Hầu hết những người trẻ tuổi, ít phải đối mặt với áp lực kết hôn của xã hội hơn, tham gia các buổi livestream để giải trí và giao lưu,” Huang nói.

Liu Xinliang, một sinh viên sau đại học 28 tuổi đến từ phía Bắc thành phố Thiên Tân, đã gặp bạn gái Cao Zhihong trên buổi livestream của Huang trong cuộc trao đổi về đơn xin học tiến sĩ.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Liu ngần ngại khi bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc trên mạng, đặc biệt là trong bối cảnh tìm việc đầy bấp bênh.

“Tôi được yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm sống của mình trong buổi phát trực tiếp. Tôi đã nói về kinh nghiệm làm việc trong hai năm sau khi tốt nghiệp và đi du lịch tới hơn 40 quốc gia, điều này có thể đã thu hút sự quan tâm. Sau đó, bạn gái tôi đã gửi tin nhắn trực tiếp cho tôi”, anh nhớ lại.

Hai tuần sau, họ quyết định hẹn hò, dù sống ở các thành phố khác nhau - một yếu tố từng được coi là yếu tố phá vỡ khá nhiều mối quan hệ. Hiện họ đang tìm kiếm cơ hội làm việc ở cùng một thành phố và có kế hoạch gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên vào tháng 5.

“Ban đầu, tôi phản đối những cuộc hẹn hò blind date. Nhưng khi tôi thấy mọi người gặp gỡ nhau một cách thoải mái, tôi cũng trở nên cởi mở hơn.”

Lei Mengyuan - một sinh viên sau đại học 25 tuổi, tin rằng giới trẻ Trung Quốc thích trò chuyện và hẹn hò trực tuyến vì sự nhanh chóng và dễ dàng, giống như đồ ăn nhanh.

Có lần, một người đối mặt với chứng trầm cảm đã tham gia livestream để thực hành giao tiếp xã hội, tìm thấy sự động viên và trở thành một người xem trung thành.

Huang nói: “Tôi nghĩ giới trẻ bây giờ thực sự cô đơn… Trên thực tế, tôi tin rằng chúng ta đang sử dụng nền tảng này để chữa lành cho nhau”.

Buổi phát trực tiếp của Huang không yêu cầu người xem phải trả tiền nhưng cô ấy nhận được những món quà ảo giúp tăng thu nhập đáng kể. Đối với cô gái trẻ, điều quan trọng hơn là nền tảng này mang lại cảm giác hỗ trợ lẫn nhau.

Theo Sixth Tone
MỚI - NÓNG