Hai năm làm việc trong ngành thiết bị, Jiang Lei nhận thấy sự nghiệp của mình chẳng đi đến đâu, trong khi các đồng nghiệp có thu nhập tốt nhờ được thăng chức và được công nhận.
Jiang, 28 tuổi, nói với Sixth Tone: “Họ có thể không làm việc chăm chỉ như tôi, nhưng họ giỏi trong các mối quan hệ giữa các cá nhân và dường như thăng tiến trong sự nghiệp nhanh hơn. Điều đó khiến tôi tự hỏi liệu có những kỹ năng đặc biệt nào hoặc có lẽ là những khía cạnh nào trong suy nghĩ của tôi mà tôi cần phải giải quyết hay không.”
Jiang suy ngẫm lại về những khoảnh khắc anh từng bỏ qua. Sau đó, anh tìm kiếm những khóa học “chỉ số trí tuệ cảm xúc” (EQ) trên mạng xã hội.
Vào năm 2022, anh tìm thấy những khóa học như vậy do doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc Yang Tianzhen giới thiệu trên nền tảng xã hội kiểu Xiaohongshu. Các lớp học của cô nhằm mục đích giải quyết những khó khăn thách thức tại nơi làm việc.
Tiếp đến, Jiang tham gia các khóa học phù hợp hơn về các vấn đề như giao tiếp xã hội trong bữa tối, sự nhạy bén trong kinh doanh và quan hệ giữa các cá nhân do những người có ảnh hưởng khác trình bày, với mức phí từ 199 đến 3.000 nhân dân tệ (28$– 421$) mỗi khóa học.
Ảnh minh họa: Nuthawut Somsuk/Getty Creative/VCG |
Thời gian rảnh, Jiang dành hết tâm huyết nghiên cứu mọi thứ, từ kinh tế đến tâm lý học. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình với bạn bè, những người anh thấy cũng gặp phải những thách thức và vấn đề tương tự tại nơi làm việc của họ.
Nhiều chuyên gia trẻ toàn cầu mong muốn cải thiện lợi thế cạnh tranh của họ trong thị trường lao động đang bị sa thải hàng loạt và suy thoái kinh tế. Một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã sa thải tổng cộng hơn 150.000 công nhân tính đến tháng 1 năm 2023. Việc sa thải quy mô lớn trong các công ty Internet ở Trung Quốc bắt đầu vào năm 2022.
Những người hướng dẫn online tự xưng là “chuyên gia kỹ năng xã hội”, sử dụng các từ khóa như “sự hòa nhập”, “triển vọng việc làm đầy thách thức” và “cạnh tranh gay gắt trong ngành” để lôi kéo những người trẻ trả phí cho các khóa học của họ.
Ma Caiying - nhân viên tại một công ty dịch vụ nhân sự ở phía Nam thành phố Quảng Châu, cho biết nhiều công ty nhận ra tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc và đang cố gắng tích hợp vào các khóa đào tạo của họ, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng đội nhóm và giao tiếp.
Ma cho biết thêm rằng cô cung cấp chương trình đào tạo phù hợp với công việc, chẳng hạn như triển khai các phương pháp tiếp cận khác nhau trong giao dịch với khách hàng từ các công ty trong nước và nước ngoài.
Cô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự tương tác thực sự” với khách hàng vì khách hàng thích trò chuyện cùng nhân viên với tư cách cá nhân hơn là những mối liên hệ kinh doanh thuần túy.
Trong khi đó, Jiang cho biết những vấn đề liên quan đến công việc của anh tại công ty khiến anh sống hướng nội và không thoải mái trong môi trường xã hội.
Jiang tự mô tả bản thân là người cô độc ngoài công việc, cho biết: “Tôi dường như gặp khó khăn khi hòa nhập vào một nhóm. Tôi cảm thấy rất gò bó trong những bữa tiệc hay những buổi uống rượu. Tôi không biết phải nói hay làm gì: Tôi có nên nâng ly chúc mừng vào lúc này không? Tôi nên phản ứng thế nào khi sếp nói điều gì đó?”
Ảnh minh họa: CSA-Images/Getty Creative/VCG |
Các khóa học EQ đã đưa anh đến hành trình thay đổi. Jiang học được cách bày tỏ một cách tự tin hơn khi có điều muốn nói, cách giao tiếp bằng mắt khi trò chuyện với người khác và cách chuyển hướng những câu hỏi làm bản thân không thoải mái, dần dần trở nên gắn kết hơn với xã hội.
Jiang cho biết các khóa học về trí tuệ cảm xúc cũng cải thiện sự tự tin và khả năng diễn đạt của anh. Anh đã học cách xử lý các tình huống dễ gây khó xử. Những kỹ năng mới này cũng giúp anh quyết đoán hơn trong các mối quan hệ với người khác.
Qi Xingye, 24 tuổi, đã trải qua 5 đợt thực tập trong ngành tài chính kể từ năm 2021. Lời khuyên anh nhận được trên các nền tảng mạng xã hội như Xiaohongshu đã đánh thức anh có một thái độ khác đối với công việc và những người đồng nghiệp.
Ảnh minh họa: VCG |
Zhang Meng, 26 tuổi, làm việc tại trung tâm công nghệ Hàng Châu, cho biết cô tin rằng trí tuệ cảm xúc trong công việc là thứ có thể đến một cách tự nhiên mà không cần đào tạo bài bản. Cô nói: “Sau khi được tuyển dụng, bạn sẽ phải làm quen với văn hóa công ty và bạn sẽ thích nghi với điều đó một cách tự nhiên.
Zhang cho biết kinh nghiệm thực tế và việc tiếp xúc với các môi trường khác nhau có thể góp phần đáng kể vào trí tuệ cảm xúc của một người. Cô đã mở rộng mối quan hệ xã hội và kỹ năng kết nối mạng của mình bằng cách tham gia các khóa học về nhiều chủ đề khác nhau.
Cô nói: “Bạn có thể học được điều gì đó trong lớp học trí tuệ cảm xúc. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ khi học được một bài học, bạn sẽ biết phải làm gì vào lần tới.”
Zhang cho biết cô đã khám phá các khóa học của Yang Tianzhen, cho rằng nhiều người bị thu hút bởi những bài học này vì mong muốn bản thân có thể được truyền cảm hứng từ những người có ảnh hưởng nổi tiếng trình bày.
Zhang nói: “Mọi người đều mong muốn trở thành một người như cô ấy - Yang Tianzhen. Thứ cô ấy đang bán là một phong cách sống.”
Yang từng theo học chuyên ngành đạo diễn tại Đại học Truyền thông Trung Quốc trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt. Yang thành lập công ty giải trí của riêng mình có trụ sở tại Bắc Kinh ở tuổi 29. 6 năm sau, cô quyết định sản xuất quần áo cỡ lớn dành cho phụ nữ và thường phát trực tiếp (livestream) để quảng cáo.
Từng là một phụ nữ có vẻ ngoài khá giản dị, Yang cho rằng sự thay đổi thành một người ăn mặc rực rỡ với những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng, sự tự tin đã khiến cô trở thành một KOL trên mạng.
Ảnh hưởng của mạng xã hội rất quan trọng trong xu hướng trí tuệ cảm xúc. Trên các nền tảng như Xiaohongshu, các bài đăng phổ biến thường đính kèm câu hỏi nhỏ nêu ra các vấn đề có thể nảy sinh trong các cuộc phỏng vấn xin việc.
Trong khi cư dân mạng nhiệt tình thảo luận về các bài kiểm tra này, chuyên gia nhân sự Ma nói rằng những câu hỏi như vậy thường không xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Theo kinh nghiệm của cô, thay vào đó họ tập trung vào việc xác định sự hiểu biết và năng lực của một cá nhân đối với công việc.
Ma cho biết, Gen Z ở Trung Quốc đang tìm kiếm một môi trường làm việc bình đẳng và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Là người được hưởng lợi từ các khóa học EQ, Jiang cho rằng thái độ lạc quan với môi trường làm việc là điều mang lại hiệu quả tốt nhất. Anh nói: “Tôi tin rằng những người thực sự có năng lực có thể linh hoạt và giải quyết mọi việc.”