Hải quân Ấn Độ 'tiếp cận không gián đoạn' vào Biển Đông

Hải quân Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực để đảm bảo lợi ích của mình trên Biển Đông
Hải quân Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực để đảm bảo lợi ích của mình trên Biển Đông
TPO-Theo Eurasiareview, lập trường của Ấn Độ trên Biển Đông là tự do hàng hải (FON). Và nước này sẵn sàng hợp tác hải quân với các nước trong khu vực để đảm bảo lợi ích của mình.

Biển Đông là Tuyến đường Vận tải Trên biển (SLOC) lớn và cũng là tuyến đường thương mại quan trọng. Do đó, xung đột trong khu vực cũng liên quan đến tất cả các quốc gia châu Á trong đó có Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ không trực tiếp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhưng nước này cũng rất quan tâm đến Tự do Hàng hải (FON).

Từ lâu, Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “ao nhà”, điều này dù nhiều hay ít đều có ảnh hưởng tới lợi ích của Ấn Độ. Mới đây, New Delhi đã nhắc lại lập trường của mình về “Tự do Hàng hải”, nhấn mạnh sự cần thiết của việc “tiếp cận không gián đoạn” vào vùng biển quốc tế, đồng thời cho biết nước này sẽ bảo vệ lợi ích của mình nếu cần thiết. Điều này bao gồm tăng cường hợp tác hải quân với các nước trong ASEAN và các cường quốc khác cùng có chung mối quan tâm trong việc bảo vệ các nguyên tắc của FON.

Tự do hàng hải

Sáu bên (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia) đang có tranh chấp lãnh thổ trên vùng Biển Đông. Tinh hình ngày càng phức tạp khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên”đường lưỡi bò” chiếm gần trọn Biển Đông. Căng thẳng khu vực đã thu hút được sự chú ý của toàn cầu và nổi lên như một điểm nóng quân sự. Trong khi đó, Trung Quốc mạnh mẽ phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, bác bỏ mọi biện pháp tiếp cận đa phương, kêu gọi các nước ngoài tranh chấp trong khu vực không tham gia vào vụ việc.

Tuyến đường Vận tải Trên biển (SLOC) đi qua Biển Đông có tầm quan trọng sống còn đối với tất cả các quốc gia châu Á trong đó có Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ cũng tuyên bố việc bảo vệ các tuyến đường biển là một trong những nhiệm vụ của quân đội nước này. Theo học thuyết Hàng hải Ấn Độ, “Theo quan điểm về sự phụ thuộc lớn của các quốc gia trên vùng biển thương mại, việc bảo vệ SLOV là một nhiệm vụ quan trọng của Ấn Độ”. Rắc rối chính trị ở Biển Đông chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Ấn Độ vì điều này ảnh hưởng tới quyền lợi của Ấn Độ trong tự do hàng hải.

Ấn Độ luôn thể hiện lập trường của mình về việc tiếp cận không gián đoạn trên vùng biển quốc tế và SLOC bởi 55% quá cảnh thương mại nước này đều phải đi qua Biển Đông. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng có nhiều tài sản kinh tế tại Việt Nam, do đó tự do hàng hải trong vùng biển này lại càng quan trọng. Mối quan tâm ngày càng tăng của New Delhi đối với duy trì hòa bình và ổn định trên SLOCs được lên tiếng tại hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN vào tháng 12/2012. Trong bài diễn văn khai mạc, Thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố: “Như các quốc gia hàng hải, Ấn Độ và các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết bằng hòa bình các tranh chấp hàng hải theo luật pháp quốc tế”.

Mặc dù tranh chấp trên Biển Đông chỉ liên quan đến năm nước sáu bên nhưng trên thực tế, khu vực này thu hút sự chú ý của toàn cầu. Bày tỏ lo ngại, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông S. M. Krishna cho biết: “Ấn Độ cho rằng Biển Đông là tài sản của thế giới’. Bình luận này của ông Krishna đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc có viết: “Việc gọi Biển Đông là tài sản toàn cầu là một sai lầm… các nước khác không thể mô tả lãnh thổ của một quốc gia là tài sản toàn cầu”. Bắc Kinh cho rằng nguyên tắc FON sẽ vẫn được đảm bảo đầy đủ trên Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố này lại mâu thuẫn với các hành động của Bắc Kinh trên vùng biển mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.

Theo Eurasiareview, nỗ lực áp luật quốc gia lên vùng biển quốc tế của Trung Quốc là động thái đáng báo động đối với cộng đồng quốc tế và việc quy định tự do đi lại trên vùng biển này là điều cần thiết. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế tại đối thoại Shangri-La năm 2012. Ông nói: “Giống như quyền tự do cá nhân, quyền tự do hàng hải chỉ được thực hiện đầy đủ khi tất cả các nước lớn và nhỏ sẵn sàng tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc đã được thừa nhận”.

S.M. Krishna, cựu Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ cũng bày tỏ quan điểm tương tự tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Nhận thấy sự cần thiết của SLOC, ông nói: “Chúng tôi đã và đang theo dõi những tiến triển liên quan đến Biển Đông. Như chúng tôi nói trước đó, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và tiếp cận đến các nguồn tài nguyên theo luật quốc tế. Những nguyên tắc này phải được các quốc gia tôn trọng”. Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để đảm bảo quyền tự do hàng hải.

Hải quân triển khai định kỳ tại Biển Đông

Theo đó, Hải quân Ấn Độ có kế hoạch triển khai định kỳ tại Biển Đông, đánh dấu sự hiện diện của nước này. Ấn Độ cũng tham gia vào các cuộc tập trận với hải quân của các quốc gia Đông Nam Á. Theo Eurasiareview, việc Ấn Độ hợp tác với các quốc gia trong khu vực là phù hợp với chính sách hướng Đông của nước này. Ấn Độ và ASEAN trong tháng 12/2012 đã kỉ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN- Ấn Độ. Hội nghị thông qua tuyên bố tầm nhìn, một bước tiến quan trọng trong quan hệ ASEAN- Ấn Độ. Tuyên bố có viết: “Chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác để đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và sự an toàn của các tuyến đường giao thông trên biển, thúc đẩy tự do thương mại theo luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.

Phan Yến
Theo Eurasiareview

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.