Hà Nội còn lo thiếu nước sạch?

0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy nước mặt sông Hồng ngổn ngang cuối năm 2020
Nhà máy nước mặt sông Hồng ngổn ngang cuối năm 2020
TP - Với tổng công suất các nguồn cấp nước hơn 1 triệu 500 ngàn m3/ngày đêm, bổ sung mạch vòng đường ống giữa các nhà máy, mùa hè năm nay người dân Thủ đô sẽ không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án cấp mới vẫn rất chậm trễ.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện tổng công suất các nguồn cấp nước trên địa bàn khoảng 1.520.000m3/ngày đêm, trong đó gồm: Nguồn cấp từ các Nhà máy nước do Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội quản lý với công suất khoảng 600.000m3/ngày đêm (trong đó nguồn nước ngầm khoảng 450.000m3/ngày đêm); nhà máy nước mặt sông Đà gần 300.000m3/ngày đêm; Nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và một số trạm cấp nước Hà Đông, Sơn Tây…

Theo vị này, với tổng công suất các nguồn cấp hiện nay thì không lo thiếu nước và còn đủ dự trữ cho phát triển mở rộng cấp nước khu nông thôn. “Hè năm nay dự kiến cao điểm sử dụng nước chỉ đến 1.300.000m3/ngày đêm, trong khi các nguồn cấp đạt trên 1.520.000m3/ngày đêm nên có thể yên tâm”, đại diện Sở Xây dựng khẳng định.

Đại diện Cty CP nước mặt sông Đà cho biết thêm, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị và phương án xử lý khi có sự cố tuyến ống, đảm bảo thời gian cấp nước trở lại không quá 10 tiếng. Ngoài ra, chất lượng nước hiện nay đảm bảo Quy chuẩn chất lượng nước dùng cho ăn uống của Bộ Y tế. Toàn bộ trình tự xử lý nước đều được quan trắc bằng thiết bị online, dữ liệu được truyền về Sở TN&MT Hà Nội và các khách hàng để theo dõi giám sát.

Đại diện Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết, công suất của nhà máy hiện đã đạt 300.000m3/ngày đêm, hiện tại đang ký hợp đồng bán buôn nước cho các đơn vị phân phối số lượng 177.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ thực tế chỉ khoảng 119.000m3/ngày đêm.

Về việc nơi thừa nước nhưng vẫn có nơi “khát”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công nêu giải pháp cụ thể khi xảy ra các sự cố từ 2 nhà máy nước mặt là sông Đà và sông Đuống. Cụ thể, nếu đường ống nước sông Đà gặp sự cố, Cty Cổ phần Viwaco, Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông phối hợp cùng Cty nước mặt sông Đuống để xây dựng phương án bổ sung nguồn nước đảm bảo cung cấp nước, giảm thiểu ảnh hưởng về cấp nước. Đối với sự cố đường ống sông Đuống cũng được bổ sung ngược lại từ các doanh nghiệp cấp nước kể trên.

Nhà máy nước mặt sông Hồng ì ạch

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê đã duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, 5 nhà máy nước mặt được bổ sung, là Bắc Thăng Long, Ba Vì, Xuân Mai, Hà Nam và nhà máy nội bộ khu vực Phúc Thọ, Minh Quang, Minh Châu, Tiến Thịnh…

Cụ thể, nhà máy nước Bắc Thăng Long công suất 250.000- 300.000m3/ngày, cấp nước cho các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, kết nối bổ sung cho khu vực trung tâm Thủ đô.

Nhà máy nước Xuân Mai công suất 300.000m3/ngày, bổ sung nguồn cấp cho các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, một phần quận Hà Đông và cấp bổ sung cho tỉnh Hòa Bình.

Nhà máy nước mặt Hà Nam công suất khoảng 70.000m3/ngày, cấp cho Phú Xuyên, một phần huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức.

Nhà máy nước mặt Ba Vì công suất 100.000m3/ngày và nhà máy nội bộ khu vực Phúc Thọ, Minh Quang, Minh Châu, Tiến Thịnh... khoảng 50.000 m3/ngày.

Theo điều chỉnh, đến năm 2030, nhà máy nước mặt sông Đà đạt 900.000m3/ngày (phần cấp cho Hà Nội khoảng 800.000m3/ngày). Nhà máy nước mặt sông Đuống đạt 600.000m3/ngày (phần cấp cho Hà Nội khoảng 475.000m3/ngày).

Việc điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững.

Quy hoạch cấp nước đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể, tuy nhiên theo ghi nhận của PV, tiến độ thi công nhà máy nước mặt sông Hồng (huyện Đan Phượng) rất ì ạch khiến cho hàng nghìn hộ dân quanh đây vẫn phải sử dụng nước không đảm bảo.

Tại phiên giải trình của HĐNĐ thành phố Hà Nội về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân cuối năm 2019, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định sẽ có biện pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch. Trong đó có việc yêu cầu Cty CP Nước mặt sông Hồng cam kết đẩy nhanh tiến độ. Đến hết quý III/2019, nếu Cty này không thực hiện, thành phố sẽ xem xét để thay thế nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

MỚI - NÓNG