Góp ý văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc XII: Cần một chiến lược hướng về thiếu nhi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành bày tỏ sự trăn trở trước tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em liên tục xảy ra gần đây, và đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi một cách tốt nhất.

Ngày 28/3, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cán bộ phụ trách thiếu nhi xây dựng dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; anh Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn.

Trẻ em bị xâm hại có xu hướng gia tăng

Tại hội nghị, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho rằng, nhiều em thiếu nhi đang xử sự theo xu hướng bạo lực; tình trạng tự kỷ; tự tử do áp lực gia tăng. “Nguyên nhân có phải sự quan tâm của tổ chức Đoàn, Đội với thiếu nhi chưa đúng mức hay không?”, bà Thảo đặt câu hỏi và đề nghị tổ chức Đoàn, Hội nghiêm túc chỉ ra nguyên nhân để giải quyết một cách thấu đáo.

Theo bà Thảo, giáo dục lý tưởng cho thiếu nhi phải hết sức dễ hiểu, gắn với chủ đề, chủ điểm, các loại hình sản phẩm văn học nghệ thuật, gắn các em vào sinh hoạt truyền thống, làm sống lại các sự kiện lịch sử văn hóa, dân tộc. “Chúng ta phải giáo dục thiếu nhi bằng sự sinh động thông qua phong trào, không nói suông mà giáo dục được đâu”, bà Thảo nói.

Góp ý văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc XII: Cần một chiến lược hướng về thiếu nhi ảnh 1

Các tình nguyện viên đang hướng dẫn các em thiếu nhi trong buổi sinh hoạt ngoại khóa

Bà Thảo cũng cho rằng, để giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn cho thiếu niên, nhi đồng, cần sự phối hợp đồng bộ, không nên cắt giảm các thiết chế văn hóa, chỗ chơi, công viên cho thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, tăng thêm sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, chương trình giờ vàng cho thiếu nhi.

TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên đề xuất, cần thúc đẩy hơn nữa quyền tham gia của trẻ em. Các em thiếu nhi hiện nay là thế hệ tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, ngoại ngữ; vì thế, đòi hỏi công tác Đội phát triển rất cao.

TS. Hằng cảnh báo, tình hình xâm hại trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng, không chỉ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu xa mà cả ở các thành phố lớn. Đặc biệt, xâm hại tình dục trẻ em rất phức tạp. Bên cạnh đó, sự tấn công của các thông tin xấu độc trên mạng xã hội cũng tác động không nhỏ đến sự hình thành, phát triển nhận thức của các em thiếu nhi.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý cán bộ phụ trách thiếu nhi xây dựng dự thảo báo cáo chính trị ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII kết nối 129 điểm cầu với gần 900 đại biểu tham dự- hội nghị có số lượng đại biểu tham gia đông nhất trong các hội nghị mà Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn XII. Ngoài 17 ý kiến phát biểu trực tiếp, Ban tổ chức nhận được 25 tham luận của chuyên gia và cán bộ Đội, 29 báo cáo tham luận đóng góp của các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị, cần có chương trình, phong trào hành động bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước tình trạng xâm hại, bạo hành.

Cần một chiến lược...

Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Sông Bé, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sông Bé cho rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là vấn đề hết sức quan trọng và cần xem đó là một chiến lược phát triển. Bởi, chuẩn bị kỹ lưỡng, tốt cho các em thiếu niên, nhi đồng là chuẩn bị trước một bước cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và là lực lượng kế cận trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng.

“Cần xem bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi là một việc mang tính chiến lược, cần sự chung tay của mọi cấp, ngành cùng thực hiện; làm khẩn trương, tích cực, căn cơ, bài bản, khoa học, bền bỉ, lâu dài”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Theo ông Thỏa, giáo viên Tổng phụ trách Đội đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của công tác Đội hiện nay. Vì thế, cần quan tâm tuyển chọn, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng của đội ngũ giáo viên Tổng phụ trách Đội. “Giáo viên Tổng phụ trách Đội phải là người hội tụ đầy đủ trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác Đội; hội tụ đầy đủ về chính trị, đạo đức, kiến thức xã hội”, ông Thỏa nói.

Kết luận tại hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư đánh giá, các ý kiến tại hội nghị có giá trị rất lớn về lý luận và thực tiễn, là tình cảm to lớn mà cán bộ Đội các thời kỳ, chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành dành cho công tác Đội và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Theo chị Trang, những ý kiến này sẽ giúp Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư có thêm nhiều thông tin, cơ sở quan trọng để tổ chức Đoàn, Đội xác lập những giải pháp hiệu quả, phù hợp trong dự thảo báo cáo chính trị của nhiệm kỳ mới 2022-2027. Qua đó, tổ chức Đoàn, Đội làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, mầm non tương lai của đất nước.

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.