Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo hiệu quả nhất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Các bạn không chỉ là người chủ tương lai của đất nước mà còn là tiềm năng, là nguồn lực, là động lực đưa đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu" - Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm thế hệ trẻ tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.

Phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV, ngày 26/3, do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tổ chức, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, nếu các bạn dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám khởi nghiệp. Tôi tin tưởng, bằng sức trẻ, một ngày không xa các bạn sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thế giới".

Báo cáo nhìn lại 4 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở đào tạo, Đề án 1665 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Chính phủ tạo mọi điều kiện để thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo hiệu quả nhất ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV

Tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước,

Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo cho 3 cơ sở giáo dục đại học. Có 50% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên (HSSV). Có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, cần phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào.

“Phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội”, Thủ tướng chia sẻ.

Với mong muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong HSSV và thế hệ trẻ, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, phân tích kỹ hơn, rõ hơn, nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt Nam dưới góc độ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát huy những mặt mạnh, mặt tích cực, khắc phục, hóa giải những mặt yếu, mặt hạn chế.

Nhấn mạnh, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo, Thủ tướng lưu ý, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam. Đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực.

Đồng thời nhấn mạnh, cần tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, có các cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, HSSV, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp. Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường, của giảng viên, của sinh viên.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐTB&XH, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các địa phương để có giải pháp tổng thể, căn cơ cho thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Những việc cần làm ngay

Tại Ngày hội, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, anh Nguyễn Anh Tuấn thay mặt tổ chức Đoàn và tuổi trẻ cả nước, trân trọng cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính về những ý kiến đánh giá kết quả, thành tựu của tổ chức Đoàn, đoàn viên, HSSV đã đạt được trong thời gian qua; chỉ rõ những thời cơ cần tận dụng, thách thức cần vượt qua trong thời gian tới. Đồng thời, Thủ tướng cũng đã chỉ ra những định hướng và giải pháp lớn để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo môi trường lý tưởng cho các bạn trẻ phát huy tinh thần khởi nghiệp.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tổ chức Đoàn và tuổi trẻ cả nước nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo, định hướng của Thủ tướng Chính phủ và sẽ phối hợp với ngành GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan triển khai một số nội dung trọng tâm như:

Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò của thanh niên đối với sự phát triển kinh tế. Tập trung xây dựng, tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp, xây dựng cộng đồng thanh niên khởi nghiệp;

Triển khai đa dạng các giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh như tìm kiếm, sàng lọc, củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng; cung cấp các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; hỗ trợ tư vấn pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp; thiết lập các cơ sở dữ liệu, sàn giao dịch về khởi nghiệp của thanh niên nhằm kết nối hiệu quả các mô hình, giải pháp, sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp tới doanh nghiệp và xã hội.

Phối hợp phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua đầu tư phát triển các thiết chế hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ liên kết, phát triển mạng lưới doanh nghiệp và xúc tiến thương mại; khai thác các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Tăng cường nghiên cứu; kiên trì, chủ động tham mưu cơ chế, chính sách, pháp luật hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030.

Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ đoàn trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; thường xuyên trăn trở những cách làm mới, đưa các hoạt động đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp đi vào chiều sâu, hiệu quả, không chỉ dừng lại ở thanh niên mà lan toả ra toàn xã hội, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp.

MỚI - NÓNG