70 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi học sinh sinh viên khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp ” lần thứ IV (SV_STARTUP) năm 2021 đã nhận được gần 400 dự án. Trong đó, 70 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết toàn quốc.

Cuộc thi này dành cho học sinh sinh viên (HSSV) có đội tuổi từ 12-24 tuổi, được phát động từ tháng 4/2021.

70 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi học sinh sinh viên khởi nghiệp ảnh 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan gian hàng ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên năm 2020

Năm 2021, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đã tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp cấp trường hoặc cấp tỉnh để lựa chọn ra các dự án xuất sắc nhất tham dự vòng toàn quốc. Trong đó, có 2 dự án xuất sắc đến từ học sinh THCS. Nhiều dự án đã được triển khai và bước đầu thành công, một số dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Cuộc thi mang lại cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng những kiến thức thực tế từ Hội đồng giám khảo là các doanh nhân đến từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư có khả năng đầu tư.

Vòng Chung kết Cuộc thi HSSV với ý tưởng Khởi nghiệp năm 2021 sẽ chia làm 2 chặng từ ngày 26/3 đến 27/3 tại Cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc, trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Chặng 1 chấm thi trực tiếp tại gian hàng các dự án vào chiều ngày 26/3 để chọn ra 12 dự án khối sinh viên và 7 dự án học sinh khối THCS, THPT. Chặng 2, các dự án thuyết minh trước Ban giám khảo vào sáng ngày 27/3 tại Hội trường trong Ngày Hội khởi nghiệp Quốc gia HSSV năm 2021 chọn 15 dự án sinh viên và 10 dự án Học sinh THCS, THPT để trao giải.

Ngày 26/3, tại trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc), Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV.

Khởi nghiệp thành môn học chính thức cho sinh viên

Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án 1665 của Chính phủ về việc Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở đào tạo, Đề án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Về công tác hỗ trợ đào tạo, tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.

Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước.

Về tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2158 về việc giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo cho 3 cơ sở giáo dục đại học.

Có 50% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV. Có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường, hướng tới xây dựng các trường đại học thực sự là Trung tâm của đổi mới sáng tạo. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa (bắt buộc hoặc tự chọn) hoặc đưa vào các chương trình đào tạo ngoại khóa, ngắn hạn bảo đảm giúp sinh viên hiểu về khởi nghiệp và đánh giá đúng khả năng, năng lực của bản thân.

Nghiên cứu đề xuất số lượng giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đảm bảo các hoạt động hiệu quả. Xây dựng các chương trình ươm tạo, tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cựu sinh viên trên cơ sở kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức ươm tạo ngoài cộng đồng để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tiếp tục huy động các nguồn lực của trường, nguồn lực xã hội hóa xây dựng các không gian chung, các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đảm bảo thiết thực, phù hợp với các nhóm, ngành đào tạo. Tăng cường phối hợp nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành, trải nghiệm, phối hợp sản xuất thử các sản phẩm mẫu.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập các Quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng để đầu tư ban đầu cho các dự án khởi nghiệp của HSSV. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai các hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Trong đó, nghiên cứu thí điểm về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp vốn vào các dự án ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên phù hợp với quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế đặt hàng, phối hợp, nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm giữa doanh nghiệp, nhà trường và giảng viên, HSSV; nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp…

MỚI - NÓNG