Nguyễn Văn Dũng, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, từ tháng 2, khi quay trở lại Hà Nội để học, Dũng thuê nhà 1,25 triệu/tháng, cộng thêm tiền sinh hoạt thì 1 tháng cũng 3 triệu đồng. Nhưng xăng tăng giá, kéo theo tiền sinh hoạt phí sẽ đội lên, trong khi đó, hiện tại em chưa kiếm được việc làm thêm nên rất lo khoản học phí sắp tới. “Mức vay 2,5 triệu đồng/tháng như hiện nay, với sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học chưa đủ chi trả sinh hoạt phí. Sinh viên cũng cố gắng tìm việc để làm thêm nhưng thu nhập không ổn định nên rất khó khăn”, Dũng nói. Em chia sẻ thêm, trước đây, khi chưa có dịch COVID, công việc làm thêm của em được tính theo giờ, mỗi giờ được trả 15.000 - 20.000 đồng.
Năm 2021, Bộ Tài Chính đã trình dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Tại đây, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định sửa đổi Khoản 1 Điều 5 Quyết định 157, cụ thể nâng mức cho vay tối đa từ 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên lên mức 4 triệu đồng/tháng/sinh viên.
PGS. TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị Sinh viên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, có hàng nghìn sinh viên của trường xin xác nhận vay vốn hằng năm. PGS Hải chia sẻ, vấn đề tài chính giáo dục hiện nay đang có nhiều bất cập, nhất là mức cho vay cào bằng 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên không còn đúng với từng vùng miền. “Tài chính phải gắn với tự chủ ĐH, chất lượng đào tạo. Sinh viên những trường tốt nghiệp xong có việc làm tốt, mức lương cao thì nên cho vay theo mức học phí, sinh hoạt phí. Tôi đã từng đề xuất mức vay phải nâng lên là 5 triệu đồng/tháng/sinh viên. Quan trọng hơn, mức cho vay này phải gắn với chính sách vĩ mô, không cào bằng”, PGS Đinh Văn Hải nói.
Ông cũng cho hay, qua quá trình tiếp xúc với sinh viên, nhận được phản ánh thủ tục cho vay tùy từng địa phương rất phức tạp. Hơn nữa, quy định bố mẹ phải đứng ra bảo lãnh không còn hợp lý vì sinh viên đều từ 18 tuổi trở lên. Nếu chính sách tốt, sinh viên hoàn toàn có thể tự túc vay.
Nhiều sinh viên có nhu cầu vay vốn để học tậpẢnh: Diệp An |
PGS Đinh Văn Hải cũng đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội phải có thống kê tổng thể tình hình sinh viên vay vốn vừa qua để có chính sách ban hành hợp lý.
TS Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác Học sinh, Sinh viên ĐH Thái Nguyên cho hay, do đặc thù sinh viên của trường phần lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc nên hằng năm có khoảng gần 20.000 sinh viên của ĐH được nhận các chính sách, các trợ cấp của Nhà nước. Khoảng 5% sinh viên phải vay vốn đi học. Hiện nay, khi giá xăng tăng, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu sẽ đội giá nên theo ông Thắng, mức vốn cho sinh viên vay nên tăng. Không những thế, theo lộ trình, các trường ĐH đều phải tăng học phí. Ông cũng kiến nghị cần xây dựng khung cho cho vay cho các loại đối tượng khác nhau như đối tượng được miễn giảm học phí và đối tượng không được miễn giảm học phí. Ngoài ra, mức lãi suất cần tính toán cho phù hợp và nên mở rộng cạnh tranh cho nhiều ngân hàng tham gia chương trình này.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tỷ lệ học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn từ 10% - 15% số lượng nhập trường hằng năm. Tổng số sinh viên có việc làm sau khi ra trường, chiếm tỷ lệ 68%, mức thu nhập trung bình là 6 triệu đồng/người/tháng. Sau 14 năm triển khai, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã hỗ trợ trên 3,6 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập.