Sinh viên khởi nghiệp: Ðể không dừng lại ở phong trào

0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đoạt giải nhất cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp SV - STARTUP 2020
Sinh viên Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đoạt giải nhất cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp SV - STARTUP 2020
TP - Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên bắt đầu lan tỏa trong các cơ sở giáo dục đại học (ÐH). Nhưng để khởi nghiệp trở thành nhu cầu tự thân trong sinh viên thì hoạt động này không chỉ dừng lại ở hai chữ phong trào.

Đến bây giờ, nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn vẹn nguyên cảm xúc hạnh phúc khi được xướng tên cho giải thưởng cao nhất tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV - Startup 2019), với đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế, giáo dục”. Ý tưởng của nhóm xuất phát từ thực tế khi nhận thấy nhu cầu ghép, thay thế xương bị hỏng của người bệnh tương đối cao. Nhóm dùng một loại nhựa sinh học để tạo ra các mảnh xương thay thế phần đã hỏng, với ưu điểm nhẹ, độ bền cao và bảo đảm tính thẩm mỹ do được làm riêng cho từng bệnh nhân.

Đến nay, sản phẩm nghiên cứu của nhóm đã được ghép thành công cho một số bệnh nhân của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Sản phẩm kể trên là một trong số nhiều dự án, đề tài ra đời từ các giải pháp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây cũng là một trong 3 trường ĐH được Bộ GD&ĐT lựa chọn thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới từ năm 2019. Theo đó, trong công tác đào tạo, các học phần về văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp được xây dựng để sinh viên làm quen với các kỹ năng khởi nghiệp thực tế.

Nhà trường cũng cử nhiều cán bộ theo chương trình đào tạo về sáng tạo, khởi nghiệp. Đặc biệt, đầu năm 2021, ĐH Bách khoa Hà Nội chính thức ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo-BK Fund, hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp có tiềm năng. Quỹ đầu tư vào mỗi dự án khoảng 1 tỷ đồng, kéo dài từ 4-5 năm, đồng thời là cầu nối giữa sản phẩm và doanh nghiệp.

TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty BKHoldings, nói rằng, công ty tư vấn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đào tạo giảng viên giúp các ĐH khắp cả nước. Qua quá trình làm việc, TS Dũng nhận thấy, điểm yếu của sinh viên khi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp là thiếu kiến thức, kỹ năng và sự trải nghiệm. “Sinh viên cần tập trung học thật tốt, đi làm một số năm có kinh nghiệm hãy nghĩ tới khởi nghiệp. Câu chuyện bỏ học rồi khởi nghiệp thành công chỉ là số rất ít đặc biệt xuất sắc và đặc biệt may mắn chứ không phải là công thức của khởi nghiệp thành công”, ông Dũng nhận định.

Năm 2021, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sinh viên chưa quay trở lại trường học nhưng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải đã tổ chức thành công vòng chung kết cấp trường cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp bằng hình thức trực tuyến để chọn ra các ý tưởng xuất sắc vào vòng chung kết toàn quốc. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, nói rằng, cuộc thi là môi trường để sinh viên được trang bị những kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, đánh giá, hoạch định chiến lược kinh doanh, từ đó vận dụng kiến thức chuyên môn để áp dụng vào thực tiễn, hướng tới trở thành các nhà khởi nghiệp thành công trong tương lai.

Cần sự đầu tư chuyên nghiệp

Những năm gần đây, các cuộc thi liên quan ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên được nhiều đơn vị, trường ĐH tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của TS Dũng, hiện tại mới ở vạch xuất phát, tức là dừng lại ở mức độ phong trào, chưa đi vào thực chất.

Theo ông, ở cấp độ trường ĐH, không nên nói quá nhiều đến khởi nghiệp mà hãy cung cấp cho giảng viên, sinh viên kiến thức về đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Ông không phủ nhận vai trò của các cuộc thi có tính chất truyền cảm hứng, tuy nhiên đừng quá lạm dụng. “Nói chung, các cơ sở giáo dục ĐH nên tập trung vào sứ mệnh chính đào tạo tài năng, cung cấp các kiến thức về đổi mới sáng tạo, tâm thế và tinh thần khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên”, ông nói.

Thuận lợi hiện nay là Bộ GD&ĐT thực hiện quyết tâm đưa khởi nghiệp vào giảng đường thông qua Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng để làm được hiệu quả, phải có giảng viên chuẩn về mảng này. Vì vậy, phải đẩy mạnh các chương trình đào tạo giảng viên chuyên nghiệp, không dùng giảng viên thông thường kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, phải có sự kết hợp giảng dạy đào tạo với doanh nghiệp. Ngoài ra, phải đào tạo về tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho cả lãnh đạo ĐH để họ nhận thức chuẩn về lĩnh vực này.

“Trường ÐH phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần, hình thành văn hóa khởi nghiệp và nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển tài năng, năng khiếu của học sinh, sinh viên”.

Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Ngô Thị Minh

Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên - Bộ GD&ĐT, cho biết. hiện tại, số lượng các cơ sở giáo dục ĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 15% cuối năm 2018 lên 30% cơ sở đào tạo, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 70% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp.

Có 50% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình; 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp, một số trường ĐH lớn đều có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Ông Hà cho biết, khoảng 10 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ thực hiện việc ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên. Một số doanh nghiệp của sinh viên sau khi được các trung tâm ươm tạo hỗ trợ đã có những bước tiến rõ rệt, một số doanh nghiệp đã đến các vòng gọi vốn Series B, Series C.

MỚI - NÓNG