Sau một thời gian dài bôn ba làm thuê với nhiều công việc khác nhau, năm 2019, anh Phạm Ngọc Dung về quê bắt đầu cho hành trình khởi nghiệp của mình. Anh Dung cho biết, từ lâu anh đã xây dựng ước mơ làm mô hình kinh tế trên quê hương, nhưng chưa có cơ hội và nguồn vốn để phát triển. Vì thế, khi bày tỏ ý định nuôi lươn không bùn, anh được mọi người trong gia đình đồng thuận ủng hộ.
Từ ý định đó, anh Dung lên mạng học hỏi cách nuôi, cách phòng chữa bệnh và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình thành công. Khi có được kiến thức, anh cải tạo khu vực vườn của gia đình để làm mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn.
Anh Phạm Ngọc Dung bên mô hình nuôi lươn. |
Bước đầu, mô hình được xây dựng trên diện tích khoảng 30m2, chia thành 5 ô bể lót. Toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu trên 140 triệu đồng.
Khi mô hình hoàn thiện, anh Dung mua 1 vạn con giống, trọng lượng 500 con/kg từ tỉnh Phú Yên về thả nuôi. Sau khoảng 8-10 tháng nuôi, anh Dung đã đạt được thành công bước đầu khi lươn đạt 4-5 con/kg. Lứa lươn nuôi đầu tiên anh Dung thu về 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 60 triệu đồng.
Nói đến giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp, anh Dung cho biết đã gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm. Lươn nuôi bị nhiễm bệnh, chết nhiều. Cũng nhờ đúc rút kinh nghiệm từ những khó khăn đó, mô hình dần phát triển.
“Nghề nuôi lươn cũng rất bấp bênh, bởi hiện chưa có thuốc đặc trị, lỡ mắc bệnh là phải bỏ toàn bộ bể. Bởi vậy nguồn nước nuôi lươn trước tiên phải đảm bảo sạch, được thay thường xuyên", anh Dung nói.
Sau nhiều vụ liên tiếp thành công, đến năm 2023, chàng trai tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích nuôi, đến nay quy mô rộng hơn 500m2 với 45 bể gỗ, nhựa composite để nuôi lươn không bùn. Trung bình anh thả mỗi bể 3.000 con lươn giống, sau 8-9 tháng nuôi sẽ thu về 6 tạ/bể.
Bên trong khu vực nuôi lươn của anh Dung. |
Cũng theo anh Dung, hiện mô hình được đầu tư hiện đại với hệ thống tự động tuần hoàn gồm bơm nước lên bồn chứa, đưa bước vào từng bể và xả thải ra hồ nhân tạo. Anh Dung xác định, đây là khâu đặc biệt quan trọng trong hệ thống nuôi lươn nên được đầu tư, chú trọng nhất khâu này.
“Mỗi ngày tôi chỉ mất 2 tiếng vào buổi sáng, tối để thay nước và cho lươn ăn. Bình thường mỗi lứa mất gần 1 năm mới xuất bán. Giá lươn thành phẩm khá cao, được xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh”, anh Dung chia sẻ.
Hiện nay, mỗi kg thương phẩm đạt trọng lượng 2-4 con/kg, anh Dung bán ra thị trường giá 120 ngàn đồng/kg. Mỗi năm mô hình nuôi lươn xuất bán ra thị trường với 20 tấn lươn thịt, cho doanh thu trên 2 tỉ đồng. Trừ đi chi phí sản xuất, anh Dũng lãi hơn nửa tỉ đồng.