Giây phút tử nạn và hành trình dạy trẻ bơi miễn phí

Thầy giáo Lê Văn Tùng cùng học sinh tại lớp học bơi
Thầy giáo Lê Văn Tùng cùng học sinh tại lớp học bơi
TP - Gần 9 năm nay, thầy giáo Lê Văn Tùng, sinh năm 1977 (trường THCS Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mở lớp dạy bơi miễn phí dọc các bờ sông, giúp hàng ngàn em nhỏ có kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước.

Từ một lần chết đuối hụt

Năm 9 tuổi trong một lần ngồi lên lưng bò bơi qua sông, cậu bé Tùng bất ngờ ngã xuống nước. Trong lúc chấp chới, có một phụ nữ trên bờ kêu lớn: “Con ơi, cứu nó đi, mẹ không biết bơi”. Bất ngờ, con bò quay đầu lại, Tùng cầm lấy đuôi bò và được cứu vào bờ.

Sau này thầy Tùng mới biết, người phụ nữ đó từng có một đứa con bị chết đuối ngay khúc sông này. Từ đó, thầy bị ám ảnh về chuyện đuối nước của trẻ em. Thầy Tùng quyết tâm học bơi và bơi rất giỏi.

Tuy nhiên, mỗi dịp hè về tình trạng trẻ em chết đuối vì không biết bơi vẫn cứ diễn ra. Trăn trở rất nhiều, hè năm 2006, thầy Tùng quyết định mở lớp dạy bơi miễn phí tại một khúc sông ở xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên (lúc đó thầy Tùng là giáo viên thể dục kiêm tổng phụ trách Đội tại trường THCS Cẩm Trung).

Việc làm thiện nguyện của thầy bất ngờ gặp phải những luồng dư luận ác ý. Không ít người bảo thầy “vác tù và hàng tổng”. Không một lời thanh minh, thầy âm thầm xây dựng lớp dạy bơi cho trẻ em.

Ngày đó, không đủ tiền mua phao, thầy Tùng đi khắp các hàng sửa xe máy, xe đạp xin săm hỏng về làm phao, còn cọc tiêu hồ bơi thầy phải đi xin tre của bà con trong thôn xóm. Ngày khai giảng lớp học, thầy Tùng không giấu nổi xúc động khi có gần 40 em đến tham gia học bơi, thành công ngoài mong đợi. Lớp học đầu tiên các em đều biết bơi rất nhanh. Tiếng lành đồn xa, lớp học bơi của thầy ngày một đông, phụ huynh thay nhau chở con đến học. Không đáp ứng đủ nhu cầu, thầy Tùng mở thêm lớp thứ 2.

Hiện thầy Tùng có 2 lớp bơi mở ở các khúc sông của xã Cẩm Trung và xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Mỗi lớp học thu hút hơn trăm học sinh tham gia. Không gian học được trang bị đơn giản bằng dãy cọc tre, treo cờ làm mốc giới hạn. Phương tiện là một ít phao, trong đó không ít phao là… săm xe máy, ô tô.

Đơn giản vậy nhưng gần 9 năm nay, lớp học bơi của thầy Tùng đã giúp hơn 3.000 em nhỏ ở 15 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên có kỹ năng bơi lội để phòng vệ bản thân. Thầy Tùng chia sẻ: “Để có được 2 địa điểm này tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức đi khảo sát khắp nơi. Địa điểm này là đẹp nhất, bãi sạch, đảm bảo độ an toàn cho trẻ”.

Hằng năm, cứ đến tháng 4, thầy Tùng đi về các địa phương phát tờ rơi và nhờ loa truyền thanh của các xã tuyên truyền về kỹ năng phòng tránh đuối nước cũng như kêu gọi các em nhỏ đến tham dự lớp học bơi miễn phí của thầy.

Đến lớp học bơi miễn phí

Gặp thầy Tùng vào một buổi chiều đầu tháng 7 tại lớp học ở bờ sông xã Cẩm Lĩnh. Thầy đang hướng dẫn cho một học sinh khá đặc biệt, mới chỉ 6 tuổi (trong khi lứa tuổi quy định của lớp là từ 8 tuổi trở nên).

“Nào, con nắm lấy tay thầy, ngồi xuống. Con lấy tay bịt mũi và ngụp đầu xuống nước một cái. Ồ con giỏi quá”… Ân cần chỉ bảo cho cô học trò nhỏ, thầy Tùng vui mừng cho biết, dù nhỏ tuổi nhưng mới dạy 4 buổi cô bé đã biết bơi. Thầy Tùng cho biết, nhiều trẻ tiếp thu rất nhanh, có những trẻ chỉ cần 1 buổi, còn trẻ học lâu nhất là 6 buổi.

Luôn ân cần hướng dẫn các em nhưng thầy Tùng tự nhận mình là người nghiêm khắc. Các em đến đây đều phải tuân thủ nghiêm túc 3 quy định: “Làm theo sự hướng dẫn của thầy; Không ra khỏi khu vực tập luyện; Không được xuống nước khi chưa có lệnh của hướng dẫn viên”. Nếu em nào chỉ vi phạm một lần là thầy cho nghỉ luôn.

Chính vì sự nghiêm khắc như thế nên gần 9 năm nay, thầy Tùng chưa để xảy ra tai nạn nào trong quá trình dạy bơi.

Ngoài dạy bơi, thầy Tùng còn dạy các em kỹ năng cứu đuối và lánh nạn cơ bản khi gặp các tình huống dưới nước, ở các đoạn sông chảy xiết, cuộn xoáy. Theo thầy Tùng đây là một kỹ năng rất quan trọng để các em bảo vệ bản thân cũng như cứu giúp người khác khi gặp những tai nạn bất ngờ về sông nước.

Hiện thầy Tùng còn tự chế ra một loại phao đặc biệt, có tên là phao rút. Phao được làm từ 4 tấm xốp xếp chồng lên nhau, được bọc bằng các đôi bít tất. Tùy vào khả năng bơi của từng học sinh, thầy sẽ rút lần lượt từng tấm để người học có thể nhanh biết bơi nhất.

Cảm phục tấm lòng thiện nguyện của thầy giáo, nhiều phụ huynh mang quà đến biếu nhưng thầy Tùng không nhận. Thầy chỉ nhận những hành động giúp đỡ lớp học. Thầy Tùng có nguyện vọng được xây dựng một bể bơi mi ni có trang bị đầy đủ dụng cụ học tập để học sinh yên tâm học tập, đặc biệt là trong những thời điểm thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên, với đồng lương khiêm tốn của giáo viên thầy chưa thể thực hiện được ước mơ của mình.

Tấm lòng thiện nguyện của thầy giáo Lê Văn Tùng được T.Ư Đoàn tặng bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ GTVT tặng Kỷ niệm chương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tuyên dương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào đảm bảo an toàn giao thông.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.