Giảm nhập siêu dược phẩm: Trông chờ vào thuốc Việt

Vùng dược liệu của Traphaco tại Lào Cai
Vùng dược liệu của Traphaco tại Lào Cai
Xấp xỉ 3 tỷ USD là số tiền dự kiến chi cho khoản mục nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam trong năm 2017. Để giảm bớt tình trạng chảy máu ngoại tệ trong lĩnh vực này, không có con đường nào khác là thúc đẩy thuốc Việt gia tăng năng lực cạnh tranh.

IMS Health xếp Việt Nam đứng thứ 2 trong nhóm các quốc gia mới nổi sau Argentina, cao hơn cả Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực ASEAN về triển vọng tiêu thụ dược. Còn báo cáo mới công bố của Business Monitor International (BMI) cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 16% mỗi năm, với doanh số toàn thị trường sẽ tiệm cận mức 10 tỷ USD. Mức chi tiêu cho dược phẩm tính trên đầu người Việt Nam mới đạt 30-40 USD, so với mức 96 USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới.

Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan công bố mới đây cho thấy rõ xu hướng nhập khẩu mạnh trong ngành dược. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chi 1,7 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.  Có 5 thị trường nhập khẩu dược phẩm đạt giá trị kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên, chiếm 46,6% kim ngạch nhập khẩu dược phẩm cả nước gồm Đức, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc và Italy. Theo thống kê, năm 2016 Việt Nam chi 2,563 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm; năm 2014, 2015 lần lượt đạt 2,035 tỷ USD và 2,32 tỷ USD. Những dữ liệu này cho thấy, nếu dược phẩm trong nước không vươn lên mạnh mẽ, rất dễ bị lép vế trên sân nhà.

Tuy nhiên, để gia tăng năng lực cạnh tranh cho thuốc Việt đang có rất nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết, đơn cử câu chuyện của ngành dược liệu. Việt Nam có tới 4.000 loài cây và hơn 1.000 loài sinh vật có thể dùng làm thuốc. Song  Hiệp hội dược liệu Việt Nam thống kê, 80% nhu cầu dược liệu trong nước hiện là nhập khẩu. Nguyên nhân là dược liệu sản xuất trong nước có chi phí cao do nhiều yếu tố như tiếp cận đất đai, vốn, trình độ khoa học công nghệ, nhu cầu thị trường thấp…

Là một trong những doanh nghiệp tích cực triển khai vùng dược liệu sạch hơn 10 năm nay, Công ty cổ phần Traphaco gặp khá nhiều thách thức. Ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc Traphaco cho biết, thách thức lớn nhất để phát triển các vùng dược liệu sạch là phải có đầu ra ổn định. Nhưng đầu ra cho thuốc có nguồn gốc từ dược liệu sạch hiện chủ yếu  doanh nghiệp phải tự bươn chải.

Năm 2016, Traphaco đã sử dụng 3.383 tấn bao gồm hơn 100 loại dược liệụ và tỷ trọng dược liệụ nguồn gốc trong nước chiếm 91,3%  nhu cầu sử dụng sản xuất của Công ty.

Những sản phẩm nổi tiếng của Công ty như Thuốc bổ gan Boganic, Cebraton, Hoạt huyết dưỡng não… đều bào chế từ dược liệu sạch, truy xuất được nguồn gốc, đạt chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức y tế Thế giới) và có chứng minh lâm sàng đạt hiệu quả điều trị cao. Song thuốc chủ yếu bán qua kênh Nhà thuốc, kênh bệnh viện rất thấp. “Hiện Việt Nam chưa có chính sách cho những dược liệu trong nước có nguồn gốc xuất xứ đạt chuẩn được tham gia thầu vào các bệnh viện”, ông Văn nói.

Giảm nhập siêu dược phẩm: Trông chờ vào thuốc Việt ảnh 1

Theo ông Đinh Văn Mỵ, nguyên giám đốc Trạm dược liệu Sapa (Lào Cai), trong mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học để phát triển vùng dược liệu sạch với các loại cây như đương quy, Actiso, đẳng sâm, chè dây tại Sapa, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Nhưng nếu không tâm huyết, có chiến lược dài hạn và bài bản, nhiều khó khăn dễ khiến họ nản lòng.

Vùng dược liệu sạch tại Bắc Hà, Sapa chủ yếu triển khai trên ruộng của đồng bào dân tộc Dao đỏ, H’mong với những thói quen, cách thức canh tác lạc hậu. Ngoài cung cấp giống, hỗ trợ phân bón, bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp phải cộng tác với các nhà khoa học như ông Mỵ để hướng dẫn, tham gia giám sát quy trình kỹ thuật, chăm sóc dược liệu cho bà con. “Để cỏ mọc nhiều, thu hái quá 1-2 ngày, gốc cây úng ngập… dược liệu đều không đạt phẩm cấp theo quy định nên cả cán bộ kỹ thuật và doanh nghiệp đều phải theo sát người dân. Có những vùng xa xôi, chúng tôi phải đi bộ vất vả cả ngày mới tới”,ông Mỵ kể.

Ấy vậy mà nhiều khi vẫn không thu được đủ dược liệu như kế hoạch. Tuy bà con vùng cao đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Traphaco nhưng đôi khi thương lái vẫn đến tận ruộng thu mua với giá cao hơn, bà con lại phá vỡ hợp đồng. Trong những trường hợp này, doanh nghiệp phải khéo léo kết hợp với chính quyền địa phương và khuyến nông để nhắc nhở bà con chứ không thể kiện ra tòa.

Theo ông Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch huyện Bắc Hà (Lào Cai), vùng trồng dược liệu đang tạo ra nhiều chuyển biến cho địa phương vùng cao. Tại riêng Bắc Hà, diện tích trồng cây dược liệu tính đến nay đạt khoảng 85 ha, theo quy hoạch sẽ tiếp tục tăng lên 150 ha vào đầu năm 2020. Những năm gần đây, actiso, đương quy, đẳng sâm… đã biến thành "cây vàng", góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo cho cư dân vùng rẻo cao...

Tuy vậy, nếu không có sự vào cuộc nỗ lực của doanh nghiệp, vùng dược liệu rất dễ bị thất thủ. Có những Sở y tế yêu cầu, muốn cung cấp dược liệu cho các cơ sở y tế trên địa bàn, bên bán phải có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược liệu. Bà con nông dân thì lấy đâu ra giấy phép?

Còn không ít quy định bất cập khác. Đơn cử, Nghị định 210 thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có quy định ưu đãi cho  dược liệu nhưng lại đặt ra điều kiện, muốn hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải có diện tích vùng dược liệu đạt trên 50 ha. Trong khi thực tế, hầu như không có doanh nghiệp nào tích tụ được quỹ đất lớn như vậy để tổ chức trồng dược liệu.

Theo Hiệp hội Dược liệu Việt Nam, hơn 4 tháng kể từ khi Hội nghị phát triển ngành dược liệu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Lào Cai, hầu như chưa có chính sách mới nào được ban hành, thuốc có nguồn gốc dược liệu sạch trong nước vẫn đứng ngoài cổng các bệnh viện. Cũng chưa thấy có động thái nào để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về việc tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở các vùng miền khác nhau để sản xuất quy mô lớn.

MỚI - NÓNG