Giải mã thời Tam quốc: Lỗ Túc – Đòi lại Kinh Châu

Tạo hình nhân vật Lỗ Túc trên phim ảnh
Tạo hình nhân vật Lỗ Túc trên phim ảnh
TPO - Nếu ví Quan Vũ cứng sắc như thanh đao trong tay ông thì Lỗ Túc lại mềm dẻo như nước. Đao dẫu có sắc cũng chẳng thể cắt đứt được nước.

Nhờ vào tầm nhìn chiến lược và tài thuyết khách của mình, Lỗ Túc đã thuyết phục được Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Kinh Châu (Giang Lăng), quyết định cục diện Tam Quốc phân tranh sau này. Nhưng khi Lỗ Túc còn sống, Đông Ngô không thể đòi lại Kinh Châu mà phải đợi đến thời của Lã Mông mới thực hiện được. Vậy phải chăng Lỗ Túc không có năng lực đòi lại Kinh Châu?

Cho mượn rồi làm sao đòi?

Đây không chỉ là thắc mắc của những người yêu thích Tam Quốc mà còn là gút mắc rất lớn trong lòng quân thần nước Ngô. Tam Quốc Chí (*) kể khi Túc gặp Lữ Mông, Lữ Mông cũng hỏi Túc làm sao lấy lại Kinh Châu, Túc đã đáp lại bằng năm chữ “thuận theo thời mà làm”. Thế nào là “theo thời mà làm”? Đến đây, Tam Quốc Diễn Nghĩa lại kể một câu chuyện kinh điển Quan Vũ “đơn đao phó hội” khiến Lỗ Túc chỉ biết ngậm ngùi đợi khi khác. Liệu có phải hành động cho mượn Giang Lăng của Túc chỉ là một giải pháp tình thế hay không?

Theo thời mà làm

 
Giải mã thời Tam quốc: Lỗ Túc – Đòi lại Kinh Châu ảnh 1 Bản đồ các thế lực ở Kinh Châu sau thỏa hiệp Tôn-Lưu.
Sự thật là sau khi Lưu Bị có được Ích Châu, Quyền liền sai Lã Mông đến lấy ba quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương còn mình đích thân đóng quân ở Lục Khẩu, sai Lỗ Túc ra Ích Dương chống Quan Vũ. Đến đây câu hỏi đặt ra là, nếu Tôn Quyền thật sự muốn đánh nhau để giành lại Kinh Châu thì sao lại phái Túc, người đề xuất kế hoạch cho mượn Kinh Châu, để chống một Quan Vũ “hổ gấu” mà Lã Mông cũng công nhận? Và một lần nữa, Tử Kính lại làm người khác bất ngờ. “Túc mời Vũ gặp nhau, đều phục quân mã trên bờ cách trăm bước, chỉ xin đem quân cầm một thanh đao đến gặp”. Rồi nhân đó dùng lời lẽ hợp tình hợp lí trách móc Vũ. Tam Quốc Chí cũng kể từ khi Vũ quản lí Kinh Châu, mấy lần tranh chấp bờ cõi, nhưng “Túc thường vui vẻ vỗ về Vũ”.
Giải mã thời Tam quốc: Lỗ Túc – Đòi lại Kinh Châu ảnh 2

Chỉ tiếc Lỗ Túc mất sớm, không thể đợi đến ngày đó nên tài năng của ông hậu thế không mấy người biết đến.

Nếu ví Quan Vũ cứng sắc như thanh đao trong tay ông thì Lỗ Túc lại mềm dẻo như nước. Đao dẫu có sắc cũng chẳng thể cắt đứt được nước. Lỗ Túc đối với Vũ, trước thì thường vui vẻ vỗ về, sau lại dùng đạo lí để nói, quả thật là phương pháp tốt nhất để đối phó với những người cao ngạo như Vũ. Thế nên “Vũ không đáp được”.

Nhưng liệu Lỗ Túc chỉ dựa vào điều đó để đòi lại Kinh Châu? Không hẳn.

Nhìn lại thế cục lúc đó, Lưu Bị chiếm được Ích Châu, thế lực ngày càng lớn mạnh. Tào Tháo đã dẹp xong Mã Siêu, lấy được Lương Châu, hơn nữa còn mấy lần tiến đánh Tôn Quyền. Trong tình thế hiện tại, Tào Tháo sẽ chọn tiến vào Hán Trung hay tiếp tục tiến đánh Tôn Quyền? Rõ ràng nếu so sánh một Hán Trung nhỏ bé với một Giang Đông mấy lần đều trụ vững thì Hán Trung là lựa chọn tốt hơn hẳn.

Hơn nữa, Lưu Bị đang ở Ích Châu, mà ngõ ra Kinh Châu đang tranh chấp với Đông Ngô, khó lòng tiến về phương Bắc, nay nếu không lấy Hán Trung thì Lưu Bị sẽ nhanh tay đoạt trước. Tào Tháo hiểu điều đó, Lỗ Túc càng hiểu điều đó. Cho nên khi Lưu Bị vừa có được Ích Châu thì Đông Ngô lập tức động binh đòi lại Kinh Châu. Quả nhiên không lâu sau, Lưu Bị nhận được tin báo Tào Tháo đánh Hán Trung, Trương Lỗ đại bại. Trước tình hình này, Lưu Bị đành chấp nhận để Ngô lấy ba quận Giang Hạ, Trường Sa, Quế Dương, lại xin hòa hiếu với Đông Ngô để tập trung kháng Tào. Lỗ Túc không phí binh tốt, đổi một Giang Lăng đã thu về cho Đông Ngô ba quận ngay sát mình, mà Quan Vũ – người trấn giữ Kinh Châu thì ngày càng thêm cao ngạo tiến binh đánh Phàn Thành.

Mưu tính của Túc không quá khó để nhận thấy. Trước tiên là thu mình để Quan Vũ không đề phòng. Quan Vũ giữ Giang Lăng, nếu Tào Tháo động binh Kinh Châu sẽ để Thục hứng mũi chịu sào, còn bằng Thục đại phá quân Tào ở Kinh Châu thì Đông Ngô sẽ thừa hư mà nhập. Lã Tử Minh “áo trắng qua sông” đánh bại hổ tướng Quan Vũ, âu cũng là năm chữ “thuận theo thời mà làm” của Tử Kính vậy. Chỉ tiếc Lỗ Túc mất sớm, không thể đợi đến ngày đó nên tài năng của ông hậu thế không mấy người biết đến.

"Tầm nhìn chiến lược – ứng biến chiến thuật - khả năng ngọai giao, đây là điều kiện tiên quyết đối với các quân sư trong thời kỳ Tam Quốc phân tranh đầy biến động. Vậy còn các võ tướng, những người nắm trong tay thiên binh vạn mã, dùng võ lực và sự can trường để viết nên những thắng lợi cho minh chủ của mình thì sao? Đón xem: Ngũ hổ tướng” của nhà Thục Hán trong chính sử

                                                                                                ........................

Chú thích và tham khảo: [*] Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.