Giá thuê tàu cao ngất ngưởng, các hãng 'càng bay càng lỗ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với việc triệu hồi động cơ một số máy bay, ngành Hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng, ngành hàng không đang tích cực tìm cách khắc phục. CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho biết, hiện các hãng hàng không “càng bay, càng lỗ”, vì thế cần một cơ chế mới thông thoáng hơn. 

Thiếu hụt đội bay trầm trọng

Tại Việt Nam, việc nhà sản xuất yêu cầu triệu hồi một số máy bay A321Neo của các Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet khai thác đã khiến ngành Hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng.

Giá thuê tàu cao ngất ngưởng, các hãng 'càng bay càng lỗ' ảnh 1
Các hãng hàng không đang thiếu hụt máy bay (ảnh: VNA).

Việc triệu hồi động cơ làm các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025. Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ.

Từ nay đến cuối năm, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất.

Hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã dừng khai thác 3 máy bay Embraer E190 để tái cơ cấu, cắt giảm chi phí từ ngày 1/4.

Từ ngày 18/3, Pacific Airlines cũng đã trả hết máy bay để xóa nợ và không còn máy bay khai thác.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, số máy bay hoạt động thương mại của 6 hãng hàng không đến cuối tháng 3 khoảng 170 chiếc, giảm 40-45 chiếc so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng máy bay thương mại giảm khiến nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất. Đội máy bay giảm đang khiến thị trường hàng không nội địa khá căng thẳng, nhất trong dịp cao điểm mùa hè này, dự báo nhu cầu đi lại tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí vận hành tăng cao

Tại hội thảo về hàng không - du lịch diễn ra giữa tuần này, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) - cho biết, giá thuê động cơ máy bay năm nay tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Cụ thể, động cơ máy bay Airbus A321 có giá thuê 48.000 - 50.000 USD/tháng vào năm 2019 thì năm nay tăng lên 80.000 - 100.000 USD/tháng; động cơ máy bay Boeing 787 có giá 160.000 USD/tháng năm 2022 tăng lên 370.000 USD/tháng vào năm nay. Giá phụ tùng vật tư tăng từ 10-13%.

Tổng Thư ký VABA phân tích thêm: “Thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài hơn gấp đôi. Năm 2019 mất khoảng 75 ngày thì hiện nay mất 140-160 ngày. Có những trường hợp đặc biệt lên đến 1 năm. Điều này làm thiệt hại doanh thu vì máy bay phải nằm đất kéo dài. Tình trạng tắc nghẽn không lưu, mặt đất tại các sân bay lớn trong mùa cao điểm làm thời gian bay kéo dài hơn kế hoạch, gây phát sinh chi phí. Đáng chú ý, các hãng hàng không nước ngoài liên tục mở mới, tăng tần suất trên các đường bay dài, đặc biệt là các hãng Trung Quốc, dẫn đến cạnh tranh cửa ngõ gia tăng".

Gỡ khó cho ngành hàng không

Để xử lý tình trạng thiếu hụt máy bay và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay.

Theo đó, Vietnam Airlines đã có kế hoạch tăng cường thêm 3 máy bay Airbus A320neo trong năm nay, dự kiến chiếc đầu tiên sẽ được đón chào vào đầu tháng 7. Với 182 chỗ, với 2 khoang thương gia và phổ thông, các máy bay Airbus A320neo sẽ đóng góp gần 40.000 chỗ trong dịp cao điểm hè và 299.000 ghế trong nửa cuối năm.

Nhiều nguồn tin cho biết Pacific Airlines đang tiến hành thủ tục nhận máy bay để tái hoạt động bay sau 3 tháng tạm dừng. Dự kiến ngày 20/6, Pacific Airlines sẽ tái cất cánh bay thương mại.

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) - cho biết bên cạnh việc yêu cầu các hãng bổ sung số lượng máy bay cũng cần đề xuất Chính phủ đưa ra các chính sách khuyến khích thành lập hãng hàng không mới, hỗ trợ chính sách thuế, phí và giá; tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng thuê ướt (thuê tàu bay có tổ bay); xây dựng thêm trung tâm bảo trì, sửa chữa, đại tu máy bay; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào hàng không Việt Nam,...

Nêu quan điểm, ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Bamboo Airways - cho hay hiện các hãng hàng không “càng bay, càng lỗ”, vì thế cần một cơ chế mới, thoáng hơn để tạo động lực cho các hãng hàng không có thể đưa máy bay về, cung ứng cho thị trường nội địa.

MỚI - NÓNG