CPI tăng thấp nhất một thập kỷ:

Giá được kiểm soát hay dân cạn tiền?

Khách hàng đang thanh toán tiền tại một gian hàng trong trung tâm thương mại Royal City. Ảnh: Như ý
Khách hàng đang thanh toán tiền tại một gian hàng trong trung tâm thương mại Royal City. Ảnh: Như ý
TP - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 vừa qua tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây. Có người nói đây là tín hiệu vui vì giá cả thấp, tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua hàng hoá. Tuy nhiên, không ít chuyên gia quan ngại về sự trì trệ của nền kinh tế.

Những quầy hàng rớt giá

Trưa 13/3, tại chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội), bà hàng thịt lợn ngồi ngủ gục lên bàn vì ế ẩm. Bà chủ này tên Nguyễn Thị Hằng cho biết, trước đây mỗi ngày lấy cả con lợn về bán, chỉ nửa buổi là hết. Thế nhưng, gần nửa năm nay, chị chỉ dám lấy nửa con, bán tới trưa vẫn chưa hết. “Giá thịt lợn năm ngoái tới nay ít thay đổi. Dịp Tết vừa rồi cũng chỉ tăng tí chút, nhưng liền ngay đó phải giảm, vì người mua ít”, chị Hằng nói.

Sự ế ẩm cũng dễ nhận thấy khắp các chợ của Hà Nội như Mỹ Đình, Kim Liên… Giá thịt lợn từ Tết tới nay khá ổn định, chỉ từ 80- 100 nghìn đồng/kg (thịt mông 85 nghìn đồng/kg, thăn 95-100 nghìn đồng/kg); rau cải, cải xoong chỉ 5-7 nghìn đồng/mớ; súp lơ 10 nghìn đồng/cái… Theo các tiểu thương, giá rau mới tăng ít ngày gần đây, do trời mưa nhiều, trước đó giá rẻ hơn.

 “Chưa năm nào tôi thấy giá thịt và rau rẻ như đợt Tết vừa rồi. Trước và sau Tết đều không tăng mấy. Thậm chí, sau Tết giá rau cải chỉ 2 nghìn đồng/mớ”, chị Phạm Thu Phương (ở Khương Đình, Thanh Xuân) cho biết.

“Tình hình kinh tế vẫn khó khăn, người tiêu dùng đã cân nhắc hơn trong chi tiêu, chỉ mua những thứ thiết yếu và số lượng cũng không nhiều, nên giá tăng thấp”.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Thống kê giá

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), từ tháng 2/2002 tới nay, chỉ số CPI tháng 2/2014, tăng thấp nhất (tăng 0,55% so với tháng 1). Trong đó, tăng 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung, 2 nhóm giảm giá. Theo quy luật tháng 2 thường trùng với Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng đột biến kéo theo giá tăng, nên CPI tháng 2 thường tăng cao nhất trong năm. Tuy nhiên, CPI tháng 2 năm nay, mức tăng được đánh giá là thấp nhất. Thậm chí thấp hơn tăng CPI tháng 1/2014 (tăng 0,69%).

Lý giải với PV Tiền Phong về mức tăng CPI, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT) cho rằng, năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng nông sản dồi dào, không gây sức ép lên giá. Giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết (như 23, 28, 29, 30 tháng Chạp), sau đó giảm và ổn định trở lại. “Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đã cân nhắc hơn trong chi tiêu; chỉ mua những thứ thiết yếu với số lượng không nhiều. Do đó, nhu cầu không tăng dồn dập, không tạo nhiều áp lực lên giá”, bà Ngọc nói. Ở khía cạnh nào đó, theo bà Ngọc, việc chi tiêu cân nhắc cũng là tín hiệu tốt hơn cho xã hội, tránh lãng phí.

Không chi tiêu nhiều nữa?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp thành viên đều nhận thấy mức tăng tiêu thụ hàng hóa của người dân hiện rất yếu. “Tháng Tết nhu cầu mua sắm có tăng, nhưng không được nhiều như các năm trước”, bà Loan nói.

Giá được kiểm soát hay dân cạn tiền? ảnh 1

Khả năng chi tiêu của người dân ngày càng giảm. Ảnh: Như Ý

Về nguyên nhân, bà Loan và nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, do thu nhập của người dân giảm, tài chính các hộ gia đình không còn dồi dào để mạnh tay mua sắm như trước đây. “Mọi người đều thắt lưng, buộc bụng, không chi tiêu nhiều nữa”, bà Loan nói. Ngoài ra, theo bà Loan, giờ người dân chơi Tết nhiều hơn ăn Tết, nên ít mua sắm, tích trữ như các năm; chuyển sang du lịch hoặc các hình thức vui chơi khác.

Chuyên gia giá cả thị trường Ngô Trí Long cho rằng, đang có nhiều tranh luận về CPI tháng 2. Nhiều người nói là do sức mua, tuy nhiên Bộ Công Thương lại chứng minh không phải do sức mua, vì mức lưu chuyển hàng hóa vẫn tăng. “Vấn đề chính hiện nay là tổng cầu hàng hóa giảm. Sản xuất không có hiệu quả thì khó có thể dùng biện pháp kích cầu được”, ông Long nói. Theo ông, doanh nghiệp đang cắt giảm sản xuất, hoạt động cầm chừng do không tiêu thụ được. Đấy là điều đáng lo ngại.

Giải pháp, theo ông Long, hiện rất khó. Có thể kích thích sản xuất, nhưng phải sản xuất hiệu quả cao, nếu không có thể gây lạm phát. “Đây là bài toán cực kỳ nan giải”, ông Long nhấn mạnh. Do vướng vòng luẩn quẩn: Tăng trưởng hàng hóa dưới tiềm năng, làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng kinh tế chậm gây ảnh hưởng lên sản xuất, khiến doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, dẫn tới nguồn thu của doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm đều giảm, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, theo ông Long phải thực hiện tốt những gì Nghị quyết 01, 02 (một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường) của Chính phủ đã đề ra.

Doanh nghiệp cũng đang tìm cách tự cứu mình. Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, các doanh nghiệp đang tìm cách để kích cầu thông qua chia sẻ với người tiêu dùng, như: Thêm khuyến mại, hạ giá thành, thay đổi hình thức đóng gói (đóng gói lớn hơn), đặt sản xuất những nhãn hàng riêng của từng siêu thị… “Những hàng hóa đó vẫn đảm bảo chất lượng, nhưng giá có thể giảm 15-20% để chia sẻ với khó khăn của người dân”, bà Loan khẳng định.

Về xu hướng CPI tháng 3, theo quy luật tháng thường giảm. Do đó, sẽ giảm hơn tháng 2.

MỚI - NÓNG