Ghép thành công tế bào gốc không cùng huyết thống

GS.TS Nguyễn Anh Trí tặng hoa cho bệnh nhân Linh (bên phải). Ảnh: T.Hà.
GS.TS Nguyễn Anh Trí tặng hoa cho bệnh nhân Linh (bên phải). Ảnh: T.Hà.
TP - Ngày 2/4, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã công bố bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được ghép tế bào gốc (TBG) từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống). Điều đặc biệt nữa, đây là bệnh nhân người lớn đầu tiên được ghép TBG từ máu cuống rốn. Trước đó 12 bệnh nhi đã được ghép thành công.

Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt còn mệt mỏi sau cuộc chiến đấu với căn bệnh ung thư máu nhưng trong đôi mắt của bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh (28 tuổi, tỉnh Quảng Bình) đã ánh lên niềm vui được chữa khỏi bệnh.

Linh bắt đầu điều trị hóa chất chữa ung thư máu từ tháng 9 năm 2014. Những đợt điều trị hóa chất khiến cơ thể cô gầy mòn, suy sụp, nguy cơ tử vong cận kề. Lúc này chỉ có cách duy nhất là ghép TBG đồng loại để hy vọng giữ mạng sống cho Linh. Đây là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu từ người cho phù hợp về kháng nguyên của bạch cầu (HLA) mà người cho chủ yếu là cùng huyết thống. Em trai của bệnh nhân đã sẵn sàng hiến TBG cho chị gái, nhưng giữa hai chị em lại không phù hợp về HLA. Lúc này, tất cả hy vọng của bệnh nhân trông chờ vào việc tìm được nguồn TBG phù hợp trong Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư.

TS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, Trung tâm TBG của Viện đã tiến hành đọ chéo kết quả HLA của bệnh nhân với các mẫu TBG được lưu trữ trong Ngân hàng, kết quả đã tìm được 6 mẫu hòa hợp. Với kết quả này, Viện quyết định ngày 30/12/2014 ghép TBG cho bệnh nhân Linh từ nguồn TBG máu dây rốn cộng đồng. Khó khăn đặt ra khi đây là bệnh nhân ung thư máu thuộc nhóm tiên lượng xấu nên cần phải ghép sớm dù Tết Nguyên đán sắp đến gần bởi nếu không có thể bệnh nhân sẽ mất đi cơ hội được cứu sống; là ca ghép TBG từ máu dây rốn không cùng huyết thống đầu tiên được thực hiện tại Viện; hòa hợp HLA chỉ đạt mức tối thiểu 4/6 chỉ số; bất đồng nhóm máu dễ gây chậm mọc mảnh ghép; thời gian mọc mảnh ghép kéo dài nên nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết cao.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư cho biết chi phí cho ca ghép khoảng 1 tỷ đồng, trong đó 50% do bảo hiểm y tế chi trả. Riêng tiền mẫu máu dây rốn trị giá 300 triệu đồng Viện đã miễn phí cho bệnh nhân đầu tiên này.

Mặc dù có nhiều khó khăn như vậy, nhưng trong suốt gần 3 tháng, Ban Lãnh đạo Viện và toàn thể cán bộ nhân viên ở các khoa phòng có liên quan luôn quyết tâm cao độ, theo dõi sát sao diễn biến của bệnh nhân, liên tục trao đổi với các chuyên gia quốc tế trong quá trình ghép để lựa chọn phương pháp ghép, phương pháp điều trị trong và sau ghép thích hợp nhất cho người bệnh.

Bệnh nhân Linh đã trở lại với các hoạt động bình thường và không cần truyền máu từ cách đây 1 tháng, các chỉ số xét nghiệm đều thể hiện mảnh ghép từ TBG máu dây rốn đã mọc ổn định, không còn gene gây bệnh trong cơ thể.

Theo TS Khánh, nếu trước đây chưa có Ngân hàng TBG cộng đồng thì cơ hội được ghép TBG của bệnh nhân Linh gần như không có.

Chữa nhiều loại bệnh máu hiểm nghèo

Từ năm 2006, Viện đã triển khai phương pháp ghép TBG tạo máu và đến cuối năm 2014, Viện đã thực hiện được 150 ca ghép, bao gồm ghép TBG tự thân và ghép TBG đồng loại từ người cho cùng huyết thống.

Từ tháng 5/2014, Viện đã triển khai Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam. Theo TS Khánh, tính “cộng đồng” thể hiện ở chỗ TBG máu dây rốn là do người cho tự nguyện hiến tặng và sẽ được sử dụng cho tất cả người bệnh có nhu cầu. Viện đã liên kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để thu thập các mẫu máu dây rốn đạt tiêu chuẩn tốt nhất về chất lượng và số lượng. Hiện mỗi ngày Viện thu nhận 3 mẫu máu dây rốn để xử lý và lưu trữ vào ngân hàng. Do mỗi mẫu xử lý mất 6 tiếng nên một ngày Viện chỉ có thể xử lý 3 mẫu. Hiện nay, ngân hàng này đang lưu trữ 1.000 mẫu. Trong tương lai ngân hàng có thể lưu trữ được 3.000 mẫu, đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân trên cả nước. Các mẫu máu dây rốn này sẽ được xử lý, xét nghiệm HLA độ phân giải cao và lưu trữ bảo quản theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Người bệnh khi có nhu cầu tìm nguồn TBG sẽ được đối chiếu HLA với các mẫu TBG trong ngân hàng.

TS Khánh cho biết thêm, các nước đa số dùng mẫu máu dây rốn ghép cho trẻ em, vì số lượng TBG thu được chỉ đáp ứng một phần nào đó cho trẻ, một người lớn 70kg thì không đủ. Qua kinh nghiệm của Nhật, Viện cải tiến kỹ thuật để có thể thu TBG đủ ghép cho người lớn, thậm chí 60-110 kg.

Trong số gần 1.000 mẫu TBG lưu trữ có trên 900 mẫu đã làm được xét nghiệm HLA độ phân giải cao. Viện đã tiến hành đọ chéo HLA của 45 bệnh nhân cần tìm nguồn TBG để ghép và có tới 44/45 người tìm được mẫu TBG phù hợp. Như vậy khả năng tìm kiếm thành công đạt tới 97,8%. Hiện nay, Viện đã thực hiện ghép TBG từ máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân thứ 2 và nhiều bệnh nhân khác sẽ được tiếp tục ghép từ nguồn TBG của ngân hàng.

“Chi phí xét nghiệm cho một mẫu máu dây rốn là 20-25 triệu, chưa kể vấn đề lưu trữ, bảo quản rất tốn kém. Chúng tôi quyết định dùng kinh phí của viện để đầu tư, tính sơ bộ với 1.000 mẫu đang lưu trữ khoản chi phí đã bỏ không dưới 3 tỷ đồng”, TS Khánh nói.

Trong tương lai, có thể hy vọng Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng của Viện sẽ là nơi cung cấp nguồn TBG lớn và phù hợp cho các bệnh nhân, đem lại hy vọng và cơ hội cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu mà không có người hiến TBG được trở về với cuộc sống bình thường.  

MỚI - NÓNG