GDP quý 3 âm 6,17%: Triển vọng dài hạn vẫn tốt

0:00 / 0:00
0:00
Thiếu nhân lực được cho là thách thức lớn với doanh nghiệp khi kinh tế mở cửa trở lại. Ảnh: VGP
Thiếu nhân lực được cho là thách thức lớn với doanh nghiệp khi kinh tế mở cửa trở lại. Ảnh: VGP
TP - Dịch COVID-19 bùng phát lần 4 và những đợt giãn cách xã hội kéo dài đã giáng đòn mạnh lên toàn bộ nền kinh tế. Lần đầu tiên, kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý từ năm 2000 đến nay, GDP quý giảm sâu kỷ lục (quý 3/2021 âm 6,17%). Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tích cực, triển vọng vào cuối năm.

Chuỗi cung ứng đứt gãy

Ngày 29/9, tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. GDP quý 3/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực dịch vụ giảm tới 9,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5%. Điểm sáng là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 1%.

GDP 9 tháng đầu năm 2021chỉ ước tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng âm ở một số ngành dịch vụ làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Bà Hương cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, thì tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì mức dương là kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê thừa nhận, đứt gãy chuỗi cung ứng không còn là nguy cơ, mà thực tế đã xảy ra, thậm chí là đứt gãy khá nặng. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia và kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, đến nay sức chịu đựng của doanh nghiệp gần cạn kiệt.

“Chưa năm nào, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn nhiều so với tỷ lệ doanh nghiệp giải thể như năm nay. 94% doanh nghiệp trên cả nước đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phía Nam, 98% doanh nghiệp gặp khó khăn nặng nề, đặc biệt ở khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thúy cho hay.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2.5%, thì tăng trưởng quý 4 phải đạt mức 5,3%, cao hơn quý 1 và thấp hơn quý 2. Ở kịch bản tăng trưởng GDP năm nay đạt 3%, thì tăng trưởng quý 4 phải đạt 7,1%, đây là mức cao nhất trong năm và khả năng đạt được là rất khó.

Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hầu hết các tỉnh Nam bộ (chiếm 44% tổng GDP của cả nước) kinh tế quý 3 đều tăng trưởng âm. Có 12/19 tỉnh tăng trưởng âm quý 3 trên 10%, riêng TPHCM suy giảm trên 20% và chỉ có Bình Phước tăng trưởng dương.

Doanh nghiệp vẫn lạc quan về tương lai

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về tương lai, tình hình tăng trưởng trong quý cuối năm. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 3. Trong 9 tháng đầu năm, tổng số dự án đầu tư FDI vào Việt Nam giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký lại tăng 20,6%.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng Cục Thống kê) đánh giá, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường với mức tăng trưởng 9 tháng là 1,4%, khả năng thực hiện mục tiêu 6% (Quốc hội giao) và 6,5% (Chính phủ đề ra) khó khả thi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện tăng trưởng, tăng trưởng GDP quý 3 âm nhưng quý 4 sẽ phục hồi. “Động lực tăng trưởng sẽ đến từ 3 trụ cột: đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng dân cư. Khi không còn giãn cách xã hội, thẻ xanh COVID được áp dụng, tăng trưởng quý 4 có thể được thúc đẩy bởi khu vực dịch vụ như khách sạn, nhà hàng”, ông Hiếu phân tích.

Những tháng cuối năm, để mục tiêu tăng trưởng đạt mức cao nhất có thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất giải pháp từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân. “Ba tháng cuối năm, gần 250.000 tỷ đầu tư công cần giải ngân. Xuất khẩu cùng với mở cửa nền kinh tế trở lại và triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu…”, bà Hương cho hay.

MỚI - NÓNG
Cận cảnh dự án nghìn tỷ 'sa lầy' khiến loạt cán bộ ở Đắk Nông vướng lao lý
Cận cảnh dự án nghìn tỷ 'sa lầy' khiến loạt cán bộ ở Đắk Nông vướng lao lý
TPO - Dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào Khu công nghiệp (KCN) Nhân Cơ ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án liên tục bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ nuốt trọn khu công nghiệp này khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Nông vướng vòng lao lý.
Người Việt có thu nhập tiền tỷ tại Úc
Người Việt có thu nhập tiền tỷ tại Úc
TPO - Theo Hiệp hội Xúc tiến Đầu tư Văn hóa Giáo dục Úc Việt, để thu hút lao động nước ngoài, Chính phủ Úc đã tăng mức trần lương đối với người lao động nhập cư lên 70.000 đô-la Úc, tương đương gần 1,1 tỷ đồng, thay cho mức 53.900 đô-la Úc áp dụng từ năm 2013.