Gánh nặng thuế, phí

Gánh nặng thuế, phí
TP - Ngân sách hụt thu, nhiều khoản thuế, phí với đủ kiểu thu dưới hình thức các “giấy phép con” luôn là chủ đề nóng tại nhiều các diễn đàn về kinh tế được tổ chức gần đây khi bàn về sự khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt.

“Thuế chồng thuế, phí chồng phí” là cụm từ được nhiều chủ doanh nghiệp, các chuyên gia, thậm chí cả đại biểu Quốc hội sử dụng khi đề cập đến sự khó khăn của doanh nghiệp cũng như các vấn đề liên quan đến thuế phí tại các diễn đàn, các hội thảo, hội nghị.

Với người có của ăn của để, khi sắm một chiếc ô tô, để được lăn bánh sẽ phải móc túi đóng ít nhất 3 loại thuế cùng cả chục loại phí khác nhau. Còn nhỏ hơn, với người dân mỗi khi đi chợ, vào siêu thị mua đồ mấy ai biết những hạt gạo, quả trứng nhỏ bé nằm trong giỏ hàng cũng phải “oằn mình” gánh cả chục loại thuế, phí.

Còn theo điều tra mới đây của Viện Thị trường và giá cả, Bộ Tài chính, một hạt thóc người nông dân sản xuất ra phải cõng cả trăm khoản đóng góp tùy theo từng địa phương dưới các hình thức: Thuế nộp cho nhà nước theo quy định; phần dịch vụ của các hợp tác xã và các khoản phí mang tính xã hội (phí môi trường, điện, đường, đê điều, hỗ trợ người bị thiên tai…). 

Không chỉ trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phải gánh tới 14 loại phí và 17 loại lệ phí liên quan đến vệ sinh thú y, từ phí kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đến phí dán tem kiểm tra vệ sinh thú y, phí đánh dấu gia súc. Chưa hết, hàng hóa sản xuất ra, khi lưu hành trên thị trường còn phải gánh thêm đủ  loại thuế, phí khác như: Phí đường bộ, phí bảo vệ môi trường....

Tuy nhiên, những con số được PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu mới đây cho thấy, người Việt đang phải gánh tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước khác trong khu vực, thực sự là điều đáng suy ngẫm. Các số liệu cho thấy, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ thuế và phí của Việt Nam là 21,6% GDP, Trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% và Ấn Độ chỉ là 7,8%.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, bên cạnh đủ loại “nghĩa vụ” với nhà nước, các loại thuế phí phát sinh từ các “giấy phép con” ra đời kiểu “lệ làng” đang là rào cản vô hình cho sự phát triển của doanh nghiệp, và cả nền kinh tế. 

Ngoài yếu tố khó khăn chung của nền kinh tế, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn được coi là mầm ươm của nền kinh tế) đã phải đóng cửa thời gian qua một phần cũng vì chịu không nổi với gánh nặng của các khoản “đóng góp”, chi phí lót tay. Những lực cản vô hình này, dù được cảnh báo đã lâu, nếu không được giải quyết đứt diểm sẽ xói mòn sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. 

MỚI - NÓNG