Ngăn chặn phí “đẻ” ra phí
Trao đổi về việc tại sao trong thực tế, như ngành Nông nghiệp lại có nhiều khoản phí, lệ phí? Tại sao một quả trứng phải “cõng” tới 14 khoản phí? Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho biết, trong pháp lệnh hiện hành không tính đến chuyện “đẻ” thêm nhiều khoản thu như vậy. Có thể một khoản phí đó nhưng lại “đẻ” ra nhiều khoản thu khác nhau, mà điều này pháp lệnh lại không cấm. Mặt khác, nhiều người cũng đang nhầm lẫn giữa phí, lệ phí với các khoản quỹ, như quỹ vệ sinh môi trường, quỹ an ninh thôn xóm, quỹ vì người nghèo…
“Nếu bệnh viện và trường học mà tính khấu hao tài sản vào giá dịch vụ thì sẽ là một câu chuyện không đơn giản, lúc đó giá sẽ rất khác. Do vậy khi sửa đổi luật này thì trong Luật Giá cũng phải có sự thay đổi đối với một số dịch vụ thiết yếu, cần có sự kiểm soát của nhà nước, nếu không việc tiếp cận dịch vụ này sẽ trở nên khó khăn với người dân”.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường
Về lý thuyết, Việt Nam cũng giống các nước khác, nhưng tại sao lại có nhiều khoản thu như vậy? TS Cường cho rằng, điều này có cả lý do về kinh tế và hành chính. “Chúng ta có nhiều dịch vụ công, ngân sách không thể đảm bảo, do đó phải thu thêm phí và lệ phí. Cái chính là chúng ta cần phải rà soát xem dịch vụ công đó có đáng để cho tư nhân tham gia không?”, TS Cường nói. Tuy nhiên, theo TS Cường, cũng có nhiều ý kiến lo ngại, nếu rà soát, cắt giảm sẽ có nguy cơ nhiều dịch vụ không được cung cấp nữa, vì không có tiền để vận hành.
Theo TS Cường, việc quy định cụ thể, chi tiết từng khoản phí, lệ phí trong luật thì địa phương cứ thế mà thu, nhưng lại có hạn chế, nếu khoản phí, lệ phí đó không còn phù hợp nữa cũng không bỏ được, hoặc muốn bổ sung cũng không được. Tuy nhiên, nếu không quy định chi tiết sẽ gây bất lợi là có thể “đẻ” ra nhiều khoản phí, lệ phí như đang diễn ra. Theo TS Cường, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc quy định chi tiết là cần thiết, điều này sẽ giúp người dân giám sát tốt hơn các khoản phí, lệ phí mình nộp đúng hay sai.
Cùng quan điểm, song TS Lê Xuân Trường cho rằng, việc rà soát thống kê lại toàn bộ các khoản phí, lệ phí là một thách thức lớn. Mặc dù hiện chỉ có 170 khoản phí, 131 khoản lệ phí được Chính phủ quy định, nhưng khi đến HĐND các tỉnh còn ban hành rất nhiều khoản khác, mà theo TS Trường, phải có tới hàng nghìn loại phí, lệ phí. Dù khó khăn, song theo ông Trường, vẫn cần phải rà soát, xem khoản nào đúng, cần thiết giữ lại, khoản nào chồng chéo, bất hợp lý thì phải lại bỏ.
Lo trẻ em nghèo không được đến trường
Dự thảo luật đưa ra danh mục phí gồm 51 khoản (với 36 khoản kế thừa và bổ sung 15 khoản), danh mục lệ phí gồm 39 khoản (kế thừa 30, bổ sung 9). Trong đó, một số loại phí và lệ phí được loại bỏ là: Học phí, viện phí, phí qua đò, phí kiểm định phương tiện vận tải, phí đường bộ qua trạm thu BOT… Như vậy dự thảo luật đang chuẩn bị được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới giảm 22 khoản phí, 3 khoản lệ phí. Việc chuyển đổi này hướng đến thúc đẩy xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ, giảm bao cấp nhà nước, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập theo hướng “ai hưởng người đó trả tiền”.
Nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí là để bù đắp chi phí. TS. Trường cho rằng, một số lĩnh vực nếu tư nhân làm hiệu quả hơn thì phải chuyển cho họ làm, nhà nước không “ôm” nữa. Chẳng hạn trong lĩnh vực giao thông, cần chuyển sang cơ chế dịch vụ để tư nhân tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, hay lĩnh vực y tế, giáo dục cũng vậy, cần sự vào cuộc của tư nhân để nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Bên cạnh đó, TS Trường đề nghị nên loại bỏ khỏi danh mục khoản “Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất”, vì đã có “Lệ phí trước bạ” rồi. Tương tự lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên internet cũng nên bỏ, vì đã có phí cấp tên miền địa chỉ sử dụng internet. Đồng thời nên bổ sung lệ phí quản lý kinh doanh để thay thế cho thuế môn bài để phản ánh đúng bản chất khoản thu. Ngược lại, ông đề nghị giữ lại học phí bậc học phổ thông.
Trao đổi thêm với PV Tiền Phong xoay quanh đề xuất này, TS. Trường lý giải, đối với học phí bậc phổ thông, việc giữ nguyên khoản phí này trong danh mục phí, lệ phí sẽ đảm bảo quyền được học hành của trẻ em, thúc đẩy phổ cập giáo dục phổ thông, đảm bảo an sinh xã hội.
“Theo dự thảo luật thì sẽ chuyển cả học phí bậc phổ thông lẫn đại học ra khỏi danh mục phí và chuyển sang cơ chế giá dịch vụ. Người ta vẫn gọi là học phí, nhưng bản chất thì đó là phí của giá dịch vụ mà các tổ chức cá nhân cung cấp, bao gồm cả trường công và trường tư. Với trường học công, người ta sẽ bị chi phối bởi các quy định, nhưng trường tư, khi chuyển sang giá dịch vụ, họ sẽ tính làm sao thu hồi chi phí, thu hồi vốn, rồi tiến tới có lãi... Điều này sẽ dẫn đến vấn đề an sinh xã hội ở bậc phổ thông. Như thế thì con em người nghèo làm sao đi học được”, TS Trường lý giải.