Nối dài danh mục di sản
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) bổ sung 17 di sản vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có các lễ hội truyền thống như lễ hội giã cốm của người Tày (Tuyên Quang), lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai và lễ hội Đền Tiên La (Bắc Giang),…
Việc ghi danh không chỉ là tín hiệu vui với di sản mà còn mở ra cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch cho địa phương |
Ở loại hình nghề thủ công truyền thống, nghề làm nhang (Tây Ninh), nghề làm gốm ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), nghề ướp trà sen Quảng An (Hà Nội),… được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Phở Hà Nội, phở Nam Định, mì Quảng (Quảng Nam), tri thức may, mặc áo dài Huế,… có tên trong danh sách công nhận di sản thuộc loại hình tri thức dân gian.
Đợt công bố mới nhất của Bộ VHTTDL còn vinh danh các tập quán xã hội và tín ngưỡng như lễ Xên đông (cúng rừng) của người Thái (Yên Bái) và nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng (Sơn La). Ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có Ru ún (hát ru) của người Mường (Thanh Hóa).
Việc ghi danh không chỉ là tín hiệu vui với di sản, mà còn mở ra cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch cho địa phương, giúp di sản đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Tháng 4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành để hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp, gìn giữ bản sắc, hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện.
Việc ứng xử với di sản cần bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền. Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau đều được tôn trọng như nhau.
Bảo tồn và phát triển di sản sau khi được ghi danh đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng |
Cẩn trọng từ bảo tồn đến quảng bá
Việt Nam sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, từ các sản phẩm thủ công truyền thống, nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật cho tới những tri thức bản địa. Ngoài những yêu cầu về bảo tồn theo nghị định, câu chuyện hậu vinh danh, các chuyên gia cũng đề cập mối lo ngại di sản được vinh danh ồ ạt.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch nêu một số bất cập liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Thực trạng này xuất phát từ việc chưa nắm được đặc trưng cơ bản của di sản nên nhiều địa phương bảo tồn di sản chưa đúng cách, không tôn trọng vai trò cộng đồng và các thành tố liên quan, dễ dẫn tới tình trạng “đồng phục hóa”.
Việc bảo tồn và phát triển di sản sau khi được ghi danh đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh xâm hại tính nguyên vẹn của di sản. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, di sản văn hóa mong manh và nhạy cảm trước sự thay đổi của thời cuộc.
Các quyết định liên quan đến di sản đều cần phải thận trọng từ khâu bảo tồn đến phát triển. Nhân sự kiện nhiều món ăn đặc trưng của các địa phương trở thành di sản văn hóa phi vật thể, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần phải đầu tư vào việc làm nổi bật những giá trị của di sản bằng cách tạo ra những không gian trải nghiệm.
Từ năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa trong Luật Di sản văn hóa và Nghị định 98/2010/NĐ-CP. Để có tên trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản phải có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Tính đến tháng 8/2024, Việt Nam có gần 500 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Giả sử, với không gian ẩm thực, thực khách không chỉ được thưởng thức món ăn, mà còn được sống trong một phần của lịch sử và văn hóa. Cần biến những món ăn truyền thống, những di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta trở thành đại sứ văn hóa”, chuyên gia đề xuất.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý quan tâm giải pháp tiếp tục quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Mỗi di sản văn hóa phi vật thể cần có một cách quảng bá khác nhau để công chúng hiểu đúng giá trị di sản.
Nhiều món ăn nổi tiếng được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể |
Nghệ nhân Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các hiệp hội, câu lạc bộ.
“Di sản phi vật thể cần kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững. Việc này đòi hỏi cơ chế, chính sách mang tính định hướng của cơ quan quản lý nhà nước”, nghệ nhân Lê Thị Thiết nói.
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Chính phủ trình lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, dự án luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Nhiều đại biểu kỳ vọng, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị một cách phù hợp, bài bản sẽ giúp di sản thực sự “sống” trong cộng đồng.