Khi phở thành di sản quốc gia

TP - Phở Hà Nội, phở Nam Định chính thức có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tri thức dân gian. Tuy nhiên, để di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là cái mác, cần những chiến lược quảng bá bài bản để phát huy, lan tỏa giá trị của “sứ giả” ẩm thực Việt.
Khi phở thành di sản quốc gia ảnh 1
Phở là món ăn không thể thiếu trong mục tiêu đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới

Di sản Việt vang danh quốc tế

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng vừa ban hành các quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phở Hà Nội và phở Nam Định cùng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dịp này. Phở là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Bộ VHTTDL đưa phở Hà Nội và Nam Định vào loại hình tri thức dân gian. Theo hồ sơ đề xuất của Hà Nội, chủ thể của món phở là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ tri thức, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở. Bí quyết đó được trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc và thương hiệu được ghi nhận.

Phở Hà Nội có yếu tố của loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. “Người sành ăn phở, người ăn phở kỹ càng không dễ tính, nhất tề không bước vào một cửa hiệu phở nào bất kỳ để mà ăn liều ăn lĩnh”, tác giả Vũ Bằng viết trong cuốn Món ngon Hà Nội.

Một số quán phở nổi tiếng của Hà Nội cũng có tên trong danh mục của Michelin. Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tại 30/30 quận, huyện, thị xã đều có hàng phở. Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 quán phở, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên. Phở Việt được tạp chí Business Insider bình chọn là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời đối với những người thích du lịch trên thế giới.

Phở cũng trở thành thương hiệu ẩm thực của Nam Định. Phở Nam Định có đặc trưng là nước dùng nhiều gừng, nước mắm, có vị ngọt đậm và ít dậy mùi quế, hồi. Phở Nam Định đáp ứng đầy đủ các tiêu chí gồm tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài. Di sản này được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Ông Đỗ Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Nam Thái, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cho biết, nghề nấu phở ở xã này đã trở thành nghề truyền thống. Nhiều gia đình có 4-5 đời làm nghề. Phở Nam Định có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, vừa tạo sinh kế, vừa giới thiệu nét ẩm thực độc đáo của địa phương.

Khi phở thành di sản quốc gia ảnh 2
Phở Hà Nội, Nam Định được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể từ ngày 9/8

Song hành với du lịch

Phở là món ăn không thể thiếu trong mục tiêu đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. Từ lâu, ngành du lịch xác định ẩm thực là thế mạnh nổi trội, coi du lịch ẩm thực là sản phẩm đặc trưng, gắn với yếu tố văn hóa địa phương, vùng miền.

Tại Festival Phở 2024 tổ chức tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Lã Quốc Khánh nhìn nhận, bạn bè quốc tế ấn tượng với phở Việt Nam. Nhật có mỳ ramen rất ngon nhưng họ nói phở Việt Nam có vị rất khó quên. Hiếm có món ăn nào được yêu thích một cách rộng rãi như phở. “Bạn bè quốc tế thường nói với tôi rằng, ai từng ăn phở Việt Nam một lần sẽ coi đó như người bạn tri kỷ vậy”, ông Khánh cho hay.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý nhận định, việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phở Hà Nội là tín hiệu vui, tạo thêm sức hút cho món ăn nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Việc công nhận di sản phở Hà Nội cũng góp phần minh định xuất xứ, nguồn gốc của một di sản văn hóa của dân tộc.

Khi phở thành di sản quốc gia ảnh 3
Phở Việt làm say lòng nhiều du khách quốc tế

“Việc công nhận di sản văn hóa góp phần kiến tạo thương hiệu quốc gia. Những di sản này góp phần tạo ra một chiến lược lớn hơn thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia, phát triển du lịch”, ông Nguyễn Trương Quý nhấn mạnh.

Để phát huy tốt nhất các giá trị di sản văn hóa phi vật thể góp phần xây dựng du lịch văn hóa, nhà nghiên cứu Trương Quý đề xuất xây dựng đề án bảo tồn, phát huy một cách kỹ càng, tránh “đồng phục hóa” các di sản. Việc này góp phần tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa của từng vùng miền. “Chúng ta phải có nghiên cứu bài bản về lịch sử, sự phát triển của các di sản chứng minh cho nền ẩm thực", nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý nêu.

Ở Việt Nam, hiếm có món ăn nào được quảng bá mạnh mẽ, rộng rãi như phở. Những sự kiện lan tỏa giá trị phở Việt có thể kể đến Lễ hội Phở Việt Nam tại Hàn Quốc, Ngày của Phở, Ngày Phở Việt ở Mexico… Hồ sơ đề xuất phở Hà Nội là di sản văn hóa phi vật thể nêu rõ mục tiêu xây dựng bản đồ phở Hà Nội trong tương lai gần nhằm đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn cụ thể về những cửa hàng phở ngon ở Hà Nội. Những cửa hàng phở được lựa chọn trên cơ sở khảo sát thực tế và đáp ứng các tiêu chí nhất định. Hồ sơ cũng đặt vấn đề hỗ trợ chủ thể thực hành di sản đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu theo quy định của pháp luật.

Sự kiện phở Hà Nội, Nam Định được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp thêm cơ hội dùng ẩm thực để quảng bá du lịch. Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Liên chi Hội Đầu bếp Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định: “Ẩm thực luôn là thế mạnh của rất nhiều nước, không riêng Việt Nam. Ẩm thực gắn liền với văn hóa của một quốc gia. Khách du lịch sẵn sàng chi 25-30% ngân sách của một chuyến đi cho ẩm thực. Ở Việt Nam, địa phương nào tận dụng được tinh hoa ẩm thực và biến đó thành sản phẩm du lịch, địa phương đó sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn’, ông Quỳnh nói.

Vai trò của những nghệ nhân cũng rất quan trọng. Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định cho biết, đơn vị này xây dựng đề án hỗ trợ các nghệ nhân, gia đình và đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, đúng tiêu chuẩn phở Việt nói chung, phở Nam Định nói riêng. Tiêu chuẩn được cụ thể hóa từ khâu chọn gạo làm phở, lựa thịt bò, các loại rau, gia vị, quy trình nấu nước,…

Chuyên gia đánh giá tiềm năng, lợi thế về ẩm thực nói chung và thương hiệu phở Việt nói riêng rất lớn, song cần chiến lược thúc đẩy thành sản phẩm du lịch chất lượng. Điều này đòi hỏi các đơn vị lữ hành nghiên cứu để hiểu sâu, hiểu rõ về sản phẩm bản địa. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là cái mác, đó là cơ sở để tiếp tục phát huy, lan tỏa giá trị của những “sứ giả” ẩm thực Việt.

MỚI - NÓNG