Câu chuyện không mới về ý thức và văn hóa sống của các bạn trẻ thành phố khi trào lưu dịch chuyển để khoe ảnh trên facebook lên cao.
Ở phía Bắc, vào dịp tam giác mạch nở rộ, dân phượt lại rồng rắn kéo nhau từ phố lên rừng để được phiêu với gió, với mây, để hít thở bầu không khí trong lành. Nhưng song hành với chuyến đi ấy là hình ảnh đạp lên hoa, phóng xe giữa ruộng, vứt rác bừa bãi... được một bộ phận dân phượt vô tư khoe trên mạng.
Ở Việt Nam trong vòng chục năm trở lại đây, giới trẻ xê dịch nhiều hơn. Họ lên xe máy đi “phượt” khắp các miền xa của Tổ quốc thậm chí xách ba lô du lịch bụi ở nước ngoài.
Đi để thấy đất nước mình rõ hơn. Những chuyến đi dù thế nào đều tạo ra sợi dây gắn bó vô hình với xứ sở, mảnh đất mình đi qua. Về miền Tây mùa nước nổi không chỉ thấy sự giàu có của quê hương, sự trù phú của đồng quê mà cả cuộc sống lam lũ của người nông dân. Lên vùng Tây Bắc không chỉ thấy núi rừng hùng vĩ mà thấy cả những đứa trẻ nghèo đói, quần áo mong manh trong sương mù gió rét cắt da cắt thịt. Những người trẻ đã dần bước chân ra để nhìn cuộc sống bằng chính đôi mắt của mình. Việc đi ra, nhìn thấy và nghe thấy thế giới cũng đáng để họ trưởng thành hơn, vì cuộc sống không chỉ gói gọn trên màn hình máy tính hay “smart phone” (điện thoại thông minh).
2. Nhưng trớ trêu, nhiều người quên đi giá trị nhân bản của những chuyến đi mà quay về một vòng tròn luẩn quẩn: đi để up ảnh facebook, đi để phục vụ một thế giới ảo trên màn hình của riêng mình. Ý thức khoe mẽ ấy có vẻ mạnh mẽ nhất, quyết định đến hành động của họ mỗi chuyến xê dịch và dẫn tới hành động vô ý.
Cũng không có gì là khó hiểu khi người Việt đang sống trong tình trạng “ăn" Facebook, "ngủ" Facebook, “sống ảo” với Facebook. Và với smart phone tần suất đăng nhập Facebook là gần như 24/24 không có gì là khó. Những tấm ảnh “tự sướng” phản cảm nhằm “câu like” (like: nút bấm thích) trên facebook không chỉ là chuyện tầm phào của ai, mà sẽ là câu chuyện của rất nhiều người trẻ. Những người bằng sự hồn nhiên và thoải mái ngẫu hứng với cuộc sống “ảo” có thể làm gãy vụn cả những giá trị “thật”.
Những người du lịch có ý thức vẫn đưa ra một slogan “Không lấy gì ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân” nhưng nó chưa đủ đối với những bạn trẻ khi này. Khi để có những bức ảnh, bước chân của họ đã phá nát những vườn hoa.
Một nhà triết học cổ đại từng nói “Thế giới là một cuốn sách và những người không đi du lịch chỉ đọc được một trang của cuốn sách đó”. Còn những người trẻ kia, vừa mở được một trang sách mới đã vô tình vò nát nó đi bởi sở thích ích kỷ của mình.