Sửa luật để giảm rút bảo hiểm xã hội một lần

Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có lương hưu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chỉ cho người lao động (LĐ) rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần với phần tiền mình đóng, giảm thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm... Đây là những đề xuất đáng chú ý trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) của Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ.

Rút BHXH một lần để lo trước mắt

Về hưởng BHXH một lần, Luật BHXH hiện hành quy định không cho người LĐ rút BHXH một lần khi chưa tới tuổi nghỉ hưu (Điều 60). Tuy nhiên, sau đó quy định này tạm hoãn thực thi, vẫn cho phép người LĐ hưởng BHXH một lần sau khi nghỉ việc 1 năm và không tiếp tục tham gia BHXH. Những năm gần đây, số người hưởng BHXH một lần gần bằng số người tham gia mới, nên việc mở rộng người tham gia BHXH gặp nhiều thách thức.

Từ thực tế đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án để hạn chế người LĐ rút BHXH một lần trong sửa Luật BHXH. Cụ thể, tiếp tục cho phép người LĐ rút BHXH một lần như hiện hành; hoặc chỉ cho phép rút BHXH một lần với phần tiền người LĐ đóng góp (không được rút phần doanh nghiệp và Nhà nước cùng đóng).

Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có lương hưu? ảnh 1

Người dân tại Hà Nội nhận lương hưu. Ảnh: Như Ý

Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), để đảm bảo an sinh xã hội trong dài hạn, đặc biệt với người hết tuổi LĐ, nhiều quốc gia không cho phép rút BHXH một lần. Trừ một số trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư, hay hết tuổi LĐ nhưng chưa đủ thời gian đóng để nhận lương hưu. Cùng đó, các nước quy định thời gian tham gia BHXH tối thiểu để có lương hưu chỉ từ 10-15 năm, không quá dài như Việt Nam (tối thiểu 20 năm).

Theo BHXH Việt Nam, tới hết năm 2021, cả nước có hơn 16,2 triệu người tham gia BHXH (chiếm trên 35,5% lực lượng lao động trong độ tuổi), trong đó có hơn 1,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2016-2020, cả nước có trên 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần (bình quân trên 740 nghìn người mỗi năm rút BHXH một lần).

Số người và số tiền trả BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước, tổng tiền trả BHXH một lần năm 2020 hơn 28 nghìn tỷ đồng. Số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là nữ, làm việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài.

Khoảng 20% số người này đã có thời gian tham gia BHXH từ 6 năm trở lên. Tình trạng này được lý giải do người LĐ khi mất việc gặp nhiều khó khăn về tài chính, nên rút BHXH một lần để lo trước mắt thay vì tính lúc về già trong khi thời gian tích lũy để được hưởng lương hưu quá dài...

Đóng BHXH 15 năm có lương hưu?

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2021, còn trên 28,8 triệu người chưa tham gia BHXH (chiếm hơn 64% lực lượng LĐ trong độ tuổi). Tuy nhiên, việc mở rộng người tham gia BHXH gặp không ít khó khăn. Một phần do quy định hiện hành về thời gian đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu quá dài - phải 20 năm.

Trong khi sức ép kinh tế khiến nhiều người nghỉ việc chọn hưởng BHXH một lần, thay vì bảo lưu để đóng tiếp nhằm có lương hưu lúc về già. Bên cạnh đó, BHXH bắt buộc vẫn hạn chế nhóm tham gia, còn BHXH tự nguyện chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất nên giảm sức hấp dẫn.

Hiện, cả nước có 13 triệu người hết tuổi LĐ, nhưng chỉ 4 triệu người có lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Theo dự báo của ILO, với chính sách hiện hành cùng tốc độ già hóa dân số nhanh, tới năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu, hoặc trợ cấp hằng tháng. Điều này tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, ngân sách nhà nước, cũng như cuộc sống của người cao tuổi.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm (định hướng còn 10 năm). Thay đổi này có thể tăng người có lương hưu thêm bình quân 10-40 nghìn người mỗi năm, tức giảm số người nhận BHXH một lần tương ứng.

Thêm hình thức Bảo hiểm hưu trí bổ sung cho người LĐ và doanh nghiệp có thể đóng thêm để hưởng lương hưu cao hơn; mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã không hưởng lương, LĐ làm việc không trọn thời gian... Với BHXH tự nguyện, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản bên cạnh chế độ hưu trí và tử tuất.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đào Quang Vinh (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH) cho rằng, những đề xuất sửa đổi Luật BHXH của Bộ LĐ-TB&XH đã được bàn tới nhiều năm qua.

Theo ông Vinh, việc giảm số năm tham gia BHXH để được hưởng lương hưu là cần thiết, vì quy định 20 năm đóng hiện nay quá dài, trong khi có nhiều người đi làm muộn, hoặc biến động trong thời gian đi làm, tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa đóng BHXH đủ tối thiểu 20 năm. Điều kiện để được hưởng lương hưu trở thành rào cản, khiến tỷ lệ rút BHXH một lần luôn ở mức cao những năm qua, nhiều người không chờ được để nhận lương hưu.

Tuy nhiên, khi giảm thời gian đóng tối thiểu sẽ giảm tổng tiền đóng nên mức lương hưu được nhận cũng thấp. Do đó, cần tính toán kỹ các phương án để tránh việc lương hưu không đủ sống.

Về đề xuất sửa điều kiện hưởng BHXH một lần, theo ông Vinh, nếu chỉ cho rút phần người lao động đóng, phần doanh nghiệp đóng không được rút cũng chưa đúng, vì doanh nghiệp đóng là quyền lợi và đóng cho người lao động.

Do đó, các chính sách đặt ra cần ưu tiên cho giải pháp khuyến khích người lao động tự nguyện ở lại hệ thống, đi liền với cơ chế hạn chế rút BHXH một lần. Chẳng hạn trong tuổi lao động, nếu rút BHXH một lần chỉ được rút phần mình đóng, phần doanh nghiệp cùng đóng buộc bảo lưu để có thể tiếp tục tham gia và chỉ được rút khi hết tuổi lao động.

MỚI - NÓNG