Đối phó… tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đứng quan sát tại “chợ” tự phát trước khu vực cổng Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) cuối ngày hôm qua, tôi nhận ra một điều, những người mua hàng, chủ yếu là công nhân và người lao động thu nhập thấp, đều tỏ ra rất đắn đo, cân nhắc trước khi đặt món hàng nào đó vào giỏ, dù đó chỉ là những thức ăn thông thường, tối thiểu. “Gía tăng dữ quá nên phải tính”, chị Hương, một nữ công nhân nói.

Chị Hương cùng hàng nghìn công nhân trong khu chế xuất vừa tan ca và như thường lệ, mọi người tản đi mua sắm thức ăn cho bữa cơm gia đình. Với chừng đó tiền, chị Hương cho biết, trước đây mua đủ cho cả nhà bốn miệng ăn, giờ vật giá leo thang, trong khi thu nhập không những không tăng mà còn giảm nên chị buộc phải tính toán chi ly từng bữa ăn cũng như các khoản chi tiêu khác với tinh thần thắt lưng buộc bụng đến mức tối đa.

Cũng như chị Hương, hàng triệu người nghèo, lao động có thu nhập thấp đang bị cuốn vào những cơn bão giá mới, nhất là kể từ cuối năm vừa qua, khi giá xăng dầu liên tiếp tăng và tăng ở mức kỷ lục. Trong khi việc làm, thu nhập… chưa kịp hồi phục sau dịch bệnh, người dân lại phải đối mặt với những đợt tăng giá khiến khó chồng khó.

Có hai chỉ số ngành thống kê vừa công bố liên quan sát sườn đến đời sống người dân, rất đáng quan tâm, lo lắng, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số lao động. Theo đó, CPI tháng Ba năm 2022 tăng 0,7% so với tháng Hai và tăng 1,9% so với tháng 12/2021.

Trong khi đó, tại TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp trong tháng Ba giảm 6,9% và quý I năm 2022 giảm 8,1% so với cùng kỳ. Một số ngành có mức giảm sâu như vận tải (giảm 36,9%); sản xuất đồ uống (giảm 25,1%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (giảm 21,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (giảm 19,6%)...

Những đợt tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội việc làm, chăm sóc y tế, học hành và phát triển, đặc biệt là với người nghèo và khiến họ luôn phải lẩn quẩn trong vòng xoáy khó khăn.

“Cửa” nào cho người thu nhập thấp vượt qua khó khăn do tăng giá, là câu hỏi hóc búa và không dễ giải quyết trong một sớm một chiều. Ngoài những nỗ lực tự thân, để người nghèo vượt bão, đòi hỏi các nhà quản lý cũng phải vượt “bão giá” bằng những cách tư vấn, ban hành chính sách vĩ mô lẫn vi mô có sức bứt phá, thích hợp và kịp thời. Người dân và cả doanh nghiệp luôn rất cần những chính sách hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng, sản xuất để nuôi dưỡng nguồn thu thay vì tận thu. Người nghèo cũng cần một hệ thống an sinh xã hội đảm bảo. Trong lúc khó khăn này, những điều đó càng trở nên cần thiết và đó là cơ hội tốt nhất để mọi người dân vượt khó do giá hàng hóa tăng.

MỚI - NÓNG