Đề xuất người dân góp vốn bằng đất để làm dự án thương mại

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp”,  bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nêu thực trạng.

Làm khu đô thị lợi nhuận cao, dân bị thu hồi đất chịu nhiều bất công

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần hoàn thiện dự luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4.

Trong đó, vấn đề thu hồi đất của người để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trở thành chủ đề "nóng" được đưa ra thảo luận.

Góp ý về vấn đề này, bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nhận định việc thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội trong đó có thu hồi đất để thực hiện khu đô thị được ghi trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở ra việc phát triển đô thị. Tuy nhiên trong thực tế tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án này rất phức tạp.

Bà Bình nêu thực tế, ở những vùng người dân đã ổn định rồi nhưng lại “vẽ” ra một dự án đô thị là bị giải tỏa đền bù, nhà cửa của người dân phải di dời gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực về tài nguyên môi trường. Hay như việc thu hồi đất đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nhiều vấn đề khác.

“Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp”, bà Bình nêu.

Để khắc phục tình trạng này, bà Bình kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Đặc biệt phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai.

“Nếu cứ quy định chung chung thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng các khoảng trống pháp lý để các nhóm lợi ích lợi dụng không đem lại nguồn lợi cho ngân sách Nhà nước, cho sự phát triển đô thị mà người dân lại thiệt đơn, thiệt kép” bà Bình nói.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, số vụ việc phức tạp, những điểm nóng về khiếu kiện, tố cáo, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội đều là những vụ việc đất đai mà cụ thể là vấn đề bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Về các dự án thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: Dự thảo Luật quy định các dự án bao gồm cả dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại (đây cũng là nội dung xin ý kiến Chính phủ theo 2 Phương án).

Thực tiễn cho thấy rằng, đa số các dự án loại này, nếu không áp dụng hình thức Nhà nước thu hồi đất thì rất khó triển khai trên thực tế vì thông thường, giá trị đất khi định giá để Nhà nước thu hồi thì sẽ thấp hơn giá trị đất sau khi nhà đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng, và các công trình phúc lợi theo quy định.

Tuy nhiên, nếu áp dụng tràn lan, không có tiêu chí cụ thể, bồi thường không thỏa đáng thì sẽ là điểm nóng về khiếu kiện, về tình hình an ninh trật tự và quan trọng hơn là quyền lợi của nhân dân không đảm bảo.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ nội dung của Nghị quyết số 18 về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại để thể chế hóa cụ thể, đúng tinh thần của Nghị quyết.

Đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, vì vậy phải quy định rõ các tiêu chí để xác định dự án là dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn; tránh việc áp dụng không thống nhất trên thực tế, lợi dụng quy định của pháp luật để trục lợi.

“Bản chất vấn đề là sự hài hòa quyền lợi giữa các chủ thể, do đó, riêng đối với việc thu hồi đất để phát triển dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại phải có cơ chế đặc thù để phân phối lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi”, ông Lê Tiến Châu nói.

Đề xuất người dân góp vốn bằng đất để làm dự án thương mại

Trong khi đó, về cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể. Tuy nhiên, nếu chủ thể tham gia cơ chế thỏa thuận này chỉ có người dân và doanh nghiệp, mà không có sự định hướng, hướng dẫn của Nhà nước thì rất khó thực hiện trên thực tế...

Vì vậy, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thật kỹ vấn đề này để xây dựng cơ chế khả thi để người dân và doanh nghiệp thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đề xuất người dân góp vốn bằng đất để làm dự án thương mại ảnh 1

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất phương án người dân được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để xây dựng đô thị, khu nhà ở thương mại. Ảnh minh họa.

Cùng vấn đề trên, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng nêu thực trạng nếu để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận giá đền bù đất cũng đã nảy sinh nhiều bất cập, méo mó trong chính sách đất đai.

Theo ông Chiến, có nhiều dự án, chủ đầu tư nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trước khi dự án được phê duyệt. Ngoài ra, việc chênh lệch giá bán đất đô thị với tiền đền bù đất nông nghiệp rất nhiều lần gây bức xúc trong nhân dân…

Để giải quyết những bất cập trên, ông Đỗ Văn Chiến nêu phương án góp vốn bằng quyền sử dụng đất để làm dự án xây nhà ở thương mại, khu đô thị. Và khi các đơn vị liên quan đã thoả thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích của dự án thì nhà nước có chế tài cụ thể với số còn lại.

Ông Chiến cho biết, nhiều dự án do không thoả thuận được với số ít hộ dân còn lại nên không thể thực hiện được. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam từng đi khảo sát dự án người dân đòi 650.000 đồng/m2, doanh nghiệp cũng đồng ý. Nhưng tỉnh lại không nhất trí do sợ người dân ở các dự án xung quanh đã nhận bồi thường thấp hơn sẽ khiếu kiện.

“Được đề xuất, tôi sẽ nêu phương án người dân được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để xây dựng đô thị, khu nhà ở thương mại. Nếu không nhất trí góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì nhà nước thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, bồi thường theo quy định”, ông Đỗ Văn Chiến nói.

MỚI - NÓNG