'Bỏ khung giá đất góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, chủ trương bỏ khung giá đất sẽ góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Bảng giá đất cần phải xây dựng theo giá thị trường và biến động giá đất. Tuy nhiên, thuật ngữ "giá thị trường" còn rất mơ hồ, cần làm rõ thêm.

Sáng 12/9, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp ý tại hội nghị, ông Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đánh giá, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa vào nhiều nội dung chính sách mới, thể hiện tính công khai, minh bạch, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành một cách chặt chẽ, cụ thể; đảm bảo tính thống nhất với các văn bản quy định pháp luật, phù hợp với các quy định quốc tế...

Ông Hạnh đánh giá, Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, ảnh hưởng tới mọi ngành, mọi đối tượng, có thể nói là luật số 1 của quốc gia, tác động rất lớn.

Góp ý nội dung cụ thể, ông Hạnh nêu, hiện nay, phần lớn việc khiếu kiện liên quan đến đất đai, đặc biệt là công tác thu hồi đất. Theo ông Hạnh, cùng với việc thực hiện thu hồi đất thông qua đấu giá, đấu thầu để thể hiện tính công khai, minh bạch, cần thiết phải có thêm hình thức khác để đảm bảo hạn chế xảy ra khiếu kiện, đảm bảo quyền lợi giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư ví dụ như có giải pháp về thoả thuận với chủ sử dụng đất; chỉ can thiệp với những trường hợp bất hợp lý...

Cũng theo ông Hạnh, cần quy định rõ việc xử lý tranh chấp, khiếu kiện đất đai phải do toà án giải quyết. Nếu khiếu kiện đất đai mà chính quyền đứng ra giải quyết là không hợp lý. Toà án giải quyết vừa đúng thẩm quyền, vừa đúng luật...

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, chủ trương bỏ khung giá đất sẽ góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Bảng giá đất cần phải xây dựng theo giá thị trường và biến động giá đất. Tuy nhiên, thuật ngữ "giá thị trường" cũng còn rất mơ hồ, cần làm rõ thêm.

Ông Tuyến cũng cho rằng, cần thiết phải quy định việc công bố công khai các thông tin về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hiện nay, những thông tin này vẫn khó tiếp cận, thậm chí phải mua mới có. Cùng với đó, phải quy định chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

"Chúng ta đang làm đường Vành đai 4. Giá đất ở các khu vực là khác nhau, các tỉnh có cơ chế khác nhau. Vì thế, thu hồi đất phải có chính sách cụ thể, đặc biệt về bồi thường, tái định cư", ông Tuyến nói thêm.

Nói thêm về chủ trương bỏ khung giá đất, ông Tuyến nêu, cần phải quy định ngay trong Dự án Luật về quy chuẩn, phương pháp định giá, quy trình kiểm tra, giám sát. Dự án Luật đang dự kiến giao Chính phủ hướng dẫn về quy trình, phê duyệt giá đất, theo ông Tuyến là rất khó thực hiện. Ông Tuyến cho rằng, cần xác định rõ cơ quan định giá đất ở cấp tỉnh, ví dụ giao cho Sở TN&MT, Sở Tài chính hoặc một cơ quan độc lập.

Cùng với đó, phải đảm bảo tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, cần thiết phải bổ sung thành viên MTTQ, một số tổ chức chính trị xã hội để thực hiện việc giám sát về giá đất.

Ông Vũ Hoài Quang, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Phân tích dư luận xã hội MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý vấn đề cho thuê đất. Ông Quang cho rằng, nên quy định thời hạn tối đa cho thuê đất là 70 năm, tránh quy định tới 99 năm. Nếu những trường hợp đặc biệt, có thể bổ sung bằng các quy định khác. Tránh trường hợp bị lợi dụng, ảnh hưởng đến yếu tố an ninh, quốc phòng, ảnh hưởng đến thế hệ sau.

Ông Quang cũng cho rằng, cần chú ý đến những vấn đề đất đai có liên quan đến yếu tố nước ngoài; chú trọng đến việc hiện nay có nhiều mâu thuẫn trong xã hội, thậm chí trong gia đình liên quan đến đất đai, làm sao phải đảm bảo được khối đoàn kết trong xã hội; chú trọng đến quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất; định giá đất rẻ mạt, phân lô bán nền ra thị trường....

MỚI - NÓNG