Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là những quy định mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhằm thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn.

Nhiều quy định mới

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 -NQ/TW, dự thảo Luật Đất đai đã bổ sung quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp tại điều 106. Theo đó, Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai ảnh 1

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hướng tới đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, giảm tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang. Ảnh minh họa: Như Ý

Tại Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm Ngân hàng đất nông nghiệp được đưa vào dự thảo Luật Đất đai, dù không phải là khái niệm mới ở nhiều nước trên thế giới. Tại Nhật Bản, mô hình ngân hàng đất nông nghiệp được triển khai trong thực tế từ năm 2014 với các chi nhánh ở nhiều nơi trên cả nước, nhằm thúc đẩy tập trung đất đai, hạn chế tình trạng đất bỏ hoang hóa.

Hai điểm mới của thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Theo TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã sắp xếp, điều chỉnh lại quy trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Theo đó phải xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước khi thu hồi đất, đảm bảo cho người dân có chỗ ở tái định cư hoặc tạm trú trước khi thực hiện thu hồi.

Việc xác định giá trị bồi thường sẽ được đảm bảo theo phương pháp xác định giá với từng thửa đất ở những địa phương có bản đồ địa chính và cơ sở dữ liệu giá đất để đảm bảo tốt việc định giá phù hợp với thị trường. “Việc khiếu kiện, khiếu nại của người dân liên quan đến bồi thường, giá đất không công bằng sẽ giảm đi khi cơ sở dữ liệu đất đai và cơ sở dữ liệu giá đất được hình thành”, ông Thọ nói.

Ngoài ra, theo ông Thọ, dự thảo Luật sẽ tiếp tục thực hiện nguyên tắc người dân bị thu hồi đất sẽ được bồi thường, hỗ trợ để có điều kiện tái định cư và sinh kế tốt hơn so với trước khi bị thu hồi. Vì vậy, với đất nông nghiệp khi thu hồi, Nhà nước sẽ hỗ trợ tạo lập việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định chỗ ở và sinh kế.

Cùng với quy định Ngân hàng đất nông nghiệp, dự thảo Luật có thêm nhiều quy định khác để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai như mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Luật Đất đai 2013 quy định không quá 10 lần). Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung.

Hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Theo Kết quả kiểm kê đất đai 2019 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nhóm đất nông nghiệp chiếm 84,45% tổng diện tích đất tự nhiên của nước ta.

Tại hội nghị lấy ý kiến các doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 4/8 của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, TS Nguyễn Đình Bồng, Phó chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam chia sẻ, việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta xuất hiện sự bất cập giữa phân bố nguồn lực đất đai, lao động với mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn tập trung. Trong đó, hộ gia đình cá nhân với 18,8 triệu lao động nông nghiệp chiếm 34,5% tổng số lao động, sử dụng 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán.

Thực tế tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang, không đưa vào canh tác, sản xuất gây lãng phí nguồn lực đất đai. Trong khi đó, các tổ chức kinh tế trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu, khả năng đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại lại thiếu đất sản xuất.

TS Bồng cho rằng, những quy định mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới. Các quy định này có thể góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao.

MỚI - NÓNG