Cần quy định cơ chế, phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị, bên cạnh việc bỏ khung giá đất, cần quy định cơ chế, phương pháp xác định giá đất ngay trong dự thảo Luật.

Sáng 23/8, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố và lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Minh Tấn cho biết, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị rà soát bất cập về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (gồm cả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất).

Cần quy định cơ chế, phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ảnh 1

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị

Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; có chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai ngay trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế cụ thể để nhà đầu tư tham gia ứng vốn vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thỏa thuận với người có đất thu hồi đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Cùng với đó, xem xét xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm điều tiết thị trường bất động sản; thu lũy kế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.

Liên quan đến việc cưỡng chế, thu hồi đất và công trình tài sản trên đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, hiện nay việc triển khai cưỡng chế, thu hồi đất liên quan đến tài sản gắn với công trình xây dựng theo Luật Xây dựng, do đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần kết nối với các luật có liên quan về nội dung này để bảo đảm làm rõ và khả thi trong thực hiện.

Ngoài ra, khung giá bồi thường di chuyển mồ mả ra khỏi dự án còn thấp nên nhiều trường hợp cố tình không di chuyển khiến một số dự án bị kéo dài. Trong khi đó theo Luật Dân sự, nếu thực hiện không cẩn thận, một số nội dung sẽ liên quan đến hành vi xâm hại mồ mả”, ông Nguyễn Quốc Nam nói.

Trưởng phòng TN&MT quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Thọ nêu thực tế, việc quy định chung đất vườn ao trong làng, xóm vào nhóm đất nông nghiệp như luật hiện hành phát sinh nhiều bất cập khi đây là đất không được Nhà nước giao nhưng người dân được thừa kế, sinh sống lâu đời. Trong khi đó, giá đất nông nghiệp hiện chỉ bằng 30-70% so với giá đất ở và không quy định khoản hỗ trợ. Từ đó, ông Nguyễn Đức Thọ đề nghị trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ khái niệm đất vườn ao trong đất ở, đất nông nghiệp và quy định cụ thể đất vườn ao không có thửa đất nằm trong vùng đất có nhà ở.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị, bên cạnh việc bỏ khung giá đất, cần quy định cơ chế, phương pháp xác định giá đất ngay trong dự thảo Luật. Ông Tuyến cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định rõ cơ quan định giá đất cấp tỉnh; bổ sung thành viên MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội vào hội đồng thẩm định giá đất để bảo đảm tính khách quan, độc lập của hội đồng.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố được thực hiện theo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã. Các phương án quy hoạch sử dụng đất phù hợp đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.

Hàng năm, công tác thu hồi đất giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách từ đất hằng năm khoảng 20.000 - 28.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% - 18% tổng nguồn thu ngân sách thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng Thủ đô.

Giai đoạn 2016 - 2020, trên toàn thành phố đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng 2.873 dự án, với diện tích 16.106ha; số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là 121.106 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn thành phố đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực. Qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và 18.551.000m2 đất, kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý đất đai được xây dựng theo hướng đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian thực hiện…

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.