Công khai về đất đai không rõ ràng, sẽ là môi trường màu mỡ cho tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan đến việc công khai về đất đai như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, cần có quy định để công khai rõ ràng, cập nhật kịp thời
Công khai về đất đai không rõ ràng, sẽ là môi trường màu mỡ cho tham nhũng ảnh 1

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Tại phiên thảo luận về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 7/9, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã, phường, thị trấn... Tuy nhiên, phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động sao cho thực chất và hiệu quả. Đồng thời cần có cơ chế, hình thức hoạt động để quy định Ban Thanh tra nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc.

Liên quan đến việc công khai về đất đai như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo đại biểu, cần có quy định để công khai rõ ràng, cập nhật kịp thời. Bởi nếu để chậm trễ trong việc công khai về đất đai là nhân dân rất khổ. “Nếu công khai không rõ ràng lại là môi trường màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển", ông Trí nêu.

Đồng tình thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn song ĐBQH Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) không đồng tình lập Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan Nhà nước. Vì theo đại biểu, cán bộ công chức, viên chức được bầu tham gia Ban Thanh tra nhân dân là những người đang thi hành nhiệm vụ tại đơn vị. Sinh mệnh chính trị của họ đang nằm trong tay thủ trưởng cơ quan thì không giám sát được.

Bà Luyến cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan Nhà nước “không thực chất, khó làm". Dẫn tới, có đơn vị thành lập cho đúng quy định, thành lập cho có để đối phó, còn thực chất "không làm gì và cũng không làm được gì".

Công khai về đất đai không rõ ràng, sẽ là môi trường màu mỡ cho tham nhũng ảnh 2

ĐBQH Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên)

"Ông chủ trả tiền thuê lao động để họ làm chủ mình"

Đại biểu Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) băn khoăn khi thực hiện dân chủ ở cơ sở mở rộng phạm vi sang lĩnh vực các tổ chức có sử dụng lao động sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và không khả thi.

Theo ông Lâm, việc đặt vấn đề quan hệ dân chủ ở cơ sở hay dân chủ trong mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với nhà nước là hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, nhìn vào mối quan hệ trong tổ chức sử dụng lao động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì mối quan hệ này gọi là hợp tác.

Hợp đồng lao động thể hiện bằng hợp đồng và về bản chất, người trả lương là người sử dụng lao động. Còn người lao động là người đi làm thuê. “Vậy bây giờ chúng ta đặt ra vấn đề ngược lại người chủ trả tiền để thuê lao động, ông ấy lại là đối tượng để cho người khác làm chủ mình. Về mặt nguyên tắc lý luận như vậy liệu đã thông chưa, có thỏa đáng không?”, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm. Nếu áp dụng thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp tương tự như ở xã, phường thì có lẽ không phù hợp và khiên cưỡng.

MỚI - NÓNG