Theo đó, Việt Nam đang tính CPI làm cơ sở tính lạm phát năm là tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước. Điều này, theo ông Lâm, CPI sẽ phụ thuộc vào giá cả tháng 12, trùng thời điểm lễ tết nên giá thường tăng mạnh, trong khi giá cả các tháng khác trong năm không được tính tới.
Cùng với đó, hiện các nước trên thế giới đều dùng CPI bình quân năm để so sánh. Do đó, các năm 2009, 2014 và năm nay, Tổng cục Thống kê đều đề nghị Bộ KH&ĐT, Chính phủ, Quốc hội thay đổi gốc tính CPI, để lạm phát phản ánh đúng bản chất giá cả năm và phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo ông Lâm, nếu dùng CPI bình quân cả năm làm gốc so sánh, số liệu lạm phát sẽ thay đổi. Như giai đoạn 2011-2015, nếu tính CPI bình quân cả năm sẽ thấy số liệu lạm phát Việt Nam các năm đều cao hơn so với dùng CPI tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước.
“Chỉ tiêu lạm phát được dùng làm cơ sở điều hành lãi suất, thời điểm và mức tăng lương… nên chúng tôi phải có trách nhiệm đề xuất điều chỉnh cách tính cho hợp lý. Lần này Chính phủ đã cho phép nghiên cứu, báo cáo”, ông Lâm nói. Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT chuẩn bị báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 này về việc thay đổi cách tính CPI làm cơ sở tính lạm phát hằng năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2016 đạt 5,52% (thấp hơn 0,8% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, chỉ có khu vực công nghiệp và xây dựng; và khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn, với mức giảm tới 0,18%.
“Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng âm. Tăng trưởng kinh tế xuất hiện dấu hiệu chững lại, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp song có dấu hiệu tăng trở lại”, Tổng cục Thống kê đánh giá.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2016, trong những tháng cuối năm GDP phải đạt mức tăng trưởng gần 7,6%. CPI bình quân 6 tháng đầu tăng 1,72% so với bình quân cùng kỳ năm trước.