Đề nghị Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại nông sản Việt

Bộ Công Thương đề nghị Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại nông sản Việt
Bộ Công Thương đề nghị Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại nông sản Việt
TPO - Bộ Công Thương cho hay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa có trao đổi với lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và đề nghị các cơ quan liên quan Trung Quốc có các biện pháp tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng như hàng hóa qua biên giới đất liền giữa một số tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với Quảng Tây.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị sớm bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, cũng như qua các tuyến vận tải đường sắt. Bên cạnh đó, sớm đưa lối thông quan cầu Bắc Luân II, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Trung Quốc) vào hoạt động chính thức.

Bộ Công Thương đề nghị mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại Cửa khẩu đường sắt Bằng Tường và đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và các loại nông sản khác gồm sản phẩm tổ yến, khoai lang cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương về giải cứu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, lãnh đạo hàng loạt  sở công thương chỉ ra một thực tế khi phần lớn các sản phẩm nông sản của các tỉnh đều đang xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, khi Trung Quốc đóng cửa khẩu, nông sản tại các địa phương tồn đọng và nông dân lập tức rơi vào cảnh khó khăn. 

Bày tỏ lo lắng về việc hàng trái cây đang tồn đọng trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho hay, hiện các mặt hàng trái cây sắp cho thu hoạch ước tính hơn 215.000 tấn (xoài, thanh long, mít, nhãn…) nên việc tiêu thụ trong thời gian tới rất lo.

Hàng năm, nông sản xuất khẩu của tỉnh sang Trung Quốc hơn 40 triệu USD, để giải quyết tình trạng ùn hàng xuất khẩu, tỉnh đã tổ chức bán hàng ở các địa phương nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. “Phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất là việc tỉnh đang tính tới. Chi phí logistic của Việt Nam hiện rất cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Làm sao để giảm chi phí logistic và hỗ trợ tiền điện cho DN là việc cần cần làm của tỉnh trong thời gian tới”, ông Tuấn đề xuất.

Đưa ra hàng loạt số liệu cho thấy hầu hết các mặt xuất khẩu của Sơn La đang phụ thuộc thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, việc Trung Quốc đóng cửa các cửa khẩu ảnh hưởng rất lớn đến hàng hóa của tỉnh và nếu không có giải pháp, tình hình sẽ rất khó khăn. Theo bà Doan, tỉnh có sản lượng ước tính khoảng 98 nghìn tấn mận, 190.000 tấn xoài và 220.000 tấn nhãn - là mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn thứ hai của Sơn La.  

MỚI - NÓNG