Xuất khẩu nông sản có thể ảnh hưởng kéo dài đến 8 tháng vì dịch corona

Theo Bộ Công Thương, nếu dịch corona bên Trung Quốc kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, nếu dịch corona bên Trung Quốc kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam
TPO - Liên quan đến tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương cho hay, xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn, có thể trong khoảng 6 đến 8 tháng tới nếu dịch ở Trung Quốc kéo dài.

Theo Bộ Công Thương, việc Trung Quốc cách ly Vũ Hán, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, tụ tập đông người, ngừng xuất khẩu các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (nặng nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới), du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics... Các biện pháp phòng ngừa này dự báo sẽ kéo theo ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với hoạt động xuất nhập khẩu, có thể từ 6 đến 8 tháng.

Cũng theo Bộ Công Thương, phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo gửi tới Bộ NN&PTNT, các tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây.

Tại cuộc họp khẩn đánh giá tác động từ dịch corona tới nền kinh tế sáng 4/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.

“Tôi đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch corona đối với cả thị trường trong và ngoài nước” – ông Trần Tuấn Anh nói và nhấn mạnh việc cần đánh giá một cách tổng quan, toàn diện trên cơ sở cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn.

“Trong bối cảnh hội nhập mới nhưng lại có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì sẽ tác động như thế nào đến hoạt động giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Đây là lúc chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành kinh tế” , người đứng đầu ngành công thương nói và cho rằng, cùng với những giải pháp cấp bách trong ngắn hạn thì các đơn vị phải nghiên cứu đưa ra giải pháp ứng phó trong dài hạn ứng với từng kịch bản diễn biến của dịch bệnh.

Để hỗ trợ xuất khẩu cho nông sản trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho hay, đã đề nghị  Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ bà con nông dân.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.