Đẩy mạnh số hoá cho sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025

0:00 / 0:00
0:00
Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế để phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân; đồng thời đẩy mạnh số hoá các sản phẩm OCOP mở rộng thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Theo Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới Trung ương, giai đoạn 2018 -2020, Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một chính sách trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Đến hết năm 2020, Chương trình đã vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020 về số lượng sản phẩm OCOP. Đến tháng 8/2021, đã có 4.939 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 62,2% sản phẩm 3 sao, 36,1% sản phẩm 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Bộ NN&PTNT đã đánh giá, phân hạng và công nhận đối với 20 sản phẩm OCOP 5 sao năm 2020.

Đẩy mạnh số hoá cho sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 ảnh 1

Chương trình OCOP đã từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) cho biết, Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Từ chương trình đã hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với nâng cao vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đã có trên 2.708 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 37,6% là HTX, 27,7% là doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của HTX tại các vùng miền núi, khó khăn như Miền núi phía Bắc…

Theo ông Tiến, chương trình cũng khơi dậy tinh thần của các chủ thể OCOP trên nhiều khía cạnh, như chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy về phát triển kinh tế để tiếp cận với thị trường, chú trọng yếu tố về chất lượng; tiêu chuẩn/quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; phát triển sản phẩm về mẫu mã, bao bì theo yêu cầu thị trường; tạo việc làm, bảo tồn giá trị văn hóa, đặc sản địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, chia sẻ lợi ích…

Đẩy mạnh số hoá cho sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 ảnh 2

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn

Chương trình cũng góp phần thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập và tạo việc làm ở những vùng khó khăn và các nhóm người yếu thế, góp phần thực hiện chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 về tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững”, một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển bền vững kinh tế nông thôn đó là “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm”.

Trong giai đoạn tới, chương trình tiếp tục là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, triển khai hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên. Cụ thể, triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn; hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa…

Cùng đó, cùng tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Đẩy mạnh số hoá cho sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 ảnh 3

Ngày càng nhiều chương trình đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến

Trong đó, sẽ tăng chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP.

Cùng đó, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” để tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP. Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; nâng cao năng lực hệ thống logistic trong thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP quốc gia.

Một số mục tiêu đến năm 2025:

- Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

- Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể OCOP là các doanh nghiệp

- Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng…

- Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hành hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn thương mại điện tử…); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh số hoá cho sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 ảnh 4
MỚI - NÓNG