Hội chợ sản phẩm OCOP Việt Nam trên nền tảng số

0:00 / 0:00
0:00
Hội chợ sản phẩm OCOP Việt Nam trên nền tảng số
TPO - Các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, nông sản và sản phẩm OCOP 3-4 sao như: Lụa tơ tằm, trái cây 3 miền; gạo hữu cơ, chả mực; yến sào, đông trùng hạ thảo; trà, cà phê các loại… được trưng bày và giao dịch trên nền tảng trực tuyến.

Hội chợ Làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021 với chủ đề “Làng nghề Việt Nam trong Kinh tế số” được triển khai theo thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ SmartROOM vừa khai mạc tại Hà Nội.

Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam là sự kiện thường niên của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hội chợ sản phẩm OCOP Việt Nam trên nền tảng số ảnh 1

Mô hình Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2021

Trải qua 16 năm tổ chức, Hội chợ đã giúp các doanh nghiệp, làng nghề và nghệ nhân giới thiệu và khai thác tốt thị trường trong nước và Quốc tế; qua đó tôn vinh các làng nghề phố nghề và nghệ nhân truyền thống.

Tuy nhiên, năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới việc tổ chức hội chợ trực tiếp thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức Hội chợ trực tuyến là một hướng đi tất yếu, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Với 50 gian hàng trực tuyến của gần 20 tỉnh thành phố trong cả nước, Hội chợ trực tuyến trưng bày giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, nông sản và sản phẩm OCOP 3-4 sao như: Lụa tơ tằm, trái cây 3 miền; gạo hữu cơ, chả mực; yến sào, đông trùng hạ thảo; trà, cà phê các loại…

Hội chợ cũng có sự tham gia của các đơn vị làng nghề, phố nghề; các nghệ nhân, thợ thủ công, hộ gia đình, câu lạc bộ, HTX; các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, trang trại, cơ sở làng nghề; các tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.

Trước khi tổ chức, hội chợ cũng xây dựng quy chế quản lý, vận hành, cũng như các hoạt động giao dịch trên chợ; phương án hướng dẫn, tập huấn đối tượng tham gia.

Hội chợ được xây dựng dưới hình thức trực tuyến với các tính năng cho phép kết nối trong thời gian thực giữa những người tham dự, nhà tổ chức và các đơn vị tham gia gian hàng tại Hội chợ trực tuyến.

Bởi thế, Hội chợ có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, được mô phỏng một mô hình hội chợ trực tiếp dưới hình thức 3D. Giao diện của Hội chợ trực tuyến sẽ tạo môi trường thân quen cho khách hàng thăm quan, thuận tiện cho tìm hiểu thông tin tại mỗi khu vực chức năng, tương tác với các doanh nghiệp tham gia gian hàng thông qua các công cụ kết nối trực tuyến.

Hội chợ sản phẩm OCOP Việt Nam trên nền tảng số ảnh 2

Sản phẩm OCOP của Nghệ An được nhiều người tiêu dùng quan tâm

Ngoài việc tiếp cận các doanh nghiệp, thông tin ngành hàng tại khu vực gian hàng, khách thăm quan có thể tham gia các sự kiện trực tuyến bên lề phong phú như: “Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom dưới sự chủ trì của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp. Giao diện của Hội chợ trực tuyến được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Hội chợ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 21 đến 25/12), sau khi kết thúc Hội chợ, nền tảng kết nối trực tuyến vẫn được Ban Tổ chức kéo dài các giao dịch trong vòng 1 tháng đến hết ngày 21/1/2022, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tiếp tục các hoạt động của hội chợ; hoạt động này cũng góp phần vào việc chuyển đổi số trong Nông nghiệp.

Hội chợ Làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021 là cơ hội để các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá, giới thiệu về tiềm năng và năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của địa phương.

Quảng bá sản phẩm theo chương trình OCOP; phát triển các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại, đẩy mạnh hoạt động XTTM đồng bộ, bài bản và phù hợp về quy mô, phương thức triển khai nhằm gia tăng được giá trị, quảng bá thương hiệu, khẳng định và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của các địa phương lên tầm quốc gia...

Thông qua Hội chợ, giúp đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị nông sản Việt. Thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hội chợ sản phẩm OCOP Việt Nam trên nền tảng số ảnh 3
MỚI - NÓNG