Cô gái Chăm khởi nghiệp với sản phẩm OCOP "Tung lò mò"

0:00 / 0:00
0:00
Cô gái Chăm khởi nghiệp với sản phẩm OCOP "Tung lò mò"
TPO - Giã từ chốn phồn hoa, ồn ào náo nhiệt ở đô thị, cô gái Chăm An Giang trở về quê khởi nghiệp với món đặc sản trứ danh của đồng bào mình là "tung lò mò" – sản phẩm đã được chứng nhận 3 sao chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm).

Từ trung tâm thành phố Châu Đốc (An Giang) qua phà Châu Giang trên sông Hậu chừng dăm phút là đặt chân đến làng Chăm nổi danh với món lạp xưởng bò (còn gọi là “Tung lò mò”). Một trong những địa chỉ nổi tiếng chính là cơ sở ANAS của chị Hứa Thị Rokyah, 30 tuổi ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong (Tân Châu, An Giang).

Năm 2019, nhờ hỗ trợ của Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu và Sở NN&PTNT An Giang, sản phẩm "Tung lò mò" của chị đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đồng thời, hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Cô gái Chăm khởi nghiệp với sản phẩm OCOP "Tung lò mò" ảnh 1

Chị Hứa Thị Rokyah bên sản phẩm "Tung lò mò"

Chị Rokyah tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh ở trường Đại học Kinh tế TP.HCM cách nay 5 năm, rồi bám trụ lại thành phố làm việc cho một công ty Thẩm mỹ quốc tế. Công việc của cô là quản lý nhóm tư vấn và sale với mức lương khá. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm học hỏi kinh nghiệm ở môi trường kinh doanh, cô quyết định trở về quê để phát triển sản phẩm của dân tộc từ cơ sở của gia đình. Và hơn hết là muốn giữ bản sắc văn hóa dân tộc từ sản phẩm đặc trưng của đồng bào mình.

Với cái tên “Tung lò mò” đã tạo ra sự tò mò đối với nhiều người. Khách hàng hay nói vui với cô: “Muốn mò lung tung thì ăn Tung lò mò”. Món lạp xưởng bò của người Chăm hấp dẫn mọi người, bởi từ nguyên liệu cho đến cách chế biến độc đáo. Người Chăm An Giang theo đạo Hồi, không ăn thịt heo nên lạp xưởng thịt bò là món không thể thiếu. Rokyah cho biết, sản phẩm của mình có câu chuyện, khách thưởng thức sản phẩm không chỉ ăn ngon mà còn muốn biết nguồn gốc xuất xứ của nó.

Cô kể, người Chăm có lễ Roya Haji vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch, có ý nghĩa như ngày tết cổ truyền. Vào dịp này, mọi người tạm gác lại công việc làm ăn, buôn bán, đến thánh đường hành lễ nhiều hơn để có nhiều ân phước. Đặc biệt, các gia đình mổ thịt để làm lễ, sau đó lấy thịt chia cho bà con trong xóm. Ngày xưa, khi người dân ăn không hết nên lấy thịt bò vụn dồn vào ruột bò với gia vị rồi đem phơi khô để dành ăn lâu mà không hư.

Cô gái Chăm khởi nghiệp với sản phẩm OCOP "Tung lò mò" ảnh 2

Xưởng sản xuất lạp xưởng bò của chị Rokyah

Rokyah là con út trong gia đình, hai chị gái của cô cũng học trên thành phố nhưng trụ lại lập nghiệp, riêng Rokyah quyết định về phụ giúp cha phát triển nghề truyền thống của gia đình. "Hai chị gái thích cuộc sống ổn định còn em có "máu kinh doanh" từ nhỏ nên quyết định trở về quê phát triển sản phẩm truyền thống dân tộc mình", Rokyah nói.

Trước đây, cơ sở chỉ là nơi sản xuất nhỏ lẻ, tuy nhiên, dăm năm lại đây sản phẩm “tung lò mò” chiếm được cảm tình khách hàng, có mặt ở khắp nơi trên cả nước. Trung bình mỗi tháng cơ sở của Rokyah bán được hơn một tấn tấn, còn vào dịp Tết thì gấp đôi. Trước đây chủ yếu bán cho các đại lý, cửa hàng hay khách lẻ nhưng bây giờ đã có doanh nghiệp đặt hàng để tặng cho nhân viên dịp tết năm nay.

Hiện tại, cô đã đầu tư cả tỷ đồng để mở rộng cơ sở và đầu tư máy móc chuyên nghiệp hơn. "Có máy móc hiện đại, em sẽ đa dạng sản phẩm để nhiều người tiếp cận và tăng công suất, cùng với chiến lược kinh doanh mới sẽ có nhiều sản phẩm đến với khách hàng, đặc biệt là hướng đến thị trường quốc tế", Rokyah chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô sẽ tổ chức cho khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan tại cơ sở, cho họ xem từ quy trình sản xuất đến thành phẩm. Qua đó để du khách thấy được sản phẩm đặc trưng của đồng bào mình ngon, độc đáo và khám phá văn hóa Chăm.

An Giang tập trung hỗ trợ sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, An Giang, 11/11 huyện đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn và tiến hành tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, đề xuất Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm cho các sản phẩm của huyện và có sản phẩm đạt OCOP.

Trong tuần đầu tháng 12/2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đã tổ chức họp đánh giá và thống nhất thông qua 11 sản phẩm đủ điều kiện được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (gồm 1 sản phẩm 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao) để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định công nhận.

Cô gái Chăm khởi nghiệp với sản phẩm OCOP "Tung lò mò" ảnh 3

An Giang hiện có 62 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên

Như vậy, sau khi 11 sản phẩm này được UBND tỉnh công nhận, sẽ nâng tổng số sản phẩm OCOP tỉnh An Giang lên 62 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, bao gồm: 12 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao - Cấp Quốc gia là Gạo Thơm đặc sản Thiên Vương và Gạo ngon Tiến vua Tiên Nữa - Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng thực hiện giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia các chương trình như: Tham gia đề án “Ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh An Giang”, tham gia bán hàng trên “Gian hàng Việt trực tuyến”, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử... nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Cô gái Chăm khởi nghiệp với sản phẩm OCOP "Tung lò mò" ảnh 4
MỚI - NÓNG