Đau đẻ, chờ… sáng giăng

Đau đẻ, chờ… sáng giăng
TP - Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương và các khoản phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.

Như vậy, chỉ làm phép tính đơn giản, từ góc độ người lao động mức đóng BHXH vô hình trung sẽ đội lên gần gấp đôi. Ví như từ mức đóng 200 ngàn/tháng cho một lao động khu công nghiệp trước đây, nay có thể sẽ tăng lên gần 400 ngàn/tháng. Còn với doanh nghiệp, theo nhẩm tính của họ, chi phí tăng đóng BHXH thay cho 10% cũ sẽ là 14% trong tổng lợi nhuận; cộng với áp lực tăng mức đóng bảo hiểm từ tăng lương tối thiểu vùng, thì tất tần tật các khoản này sẽ ngốn khoảng 90% tiền lời. Và nói như lời một doanh nghiệp”, cao quá, không chịu được thì chúng tôi tìm cách “trốn”.

Ai cũng biết, về bản chất đóng BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. “Việc đóng BHXH trên thu nhập thực tế thì người lao động sẽ rất thích bởi họ chỉ đóng phí BHXH tăng thêm không đáng kể (người lao động đóng 8% lương, doanh nghiệp đóng 14% lương) nhưng khi về hưu người lao động được hưởng lương cao”- Một doanh nghiệp trong ngành xây dựng chia sẻ. Đồng thời, nói như Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Minh Huân, lợi ích của đóng BHXH trên tổng thu nhập chính là để người lao động tích lũy lâu dài, sau này sẽ nhận được mức lương cao hơn so với mặt bằng hiện nay. Còn như giải trình của Bộ LĐ-TB&XH trước Quốc hội về thay đổi cách tính BHXH, quy định này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng giữa những người tham gia BHXH (khu vực nhà nước và tư nhân) đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và góp phần cân đối Quỹ BHXH.

Tuy nhiên, mối lo ở chỗ, dù mang lại lợi ích lâu dài tương lai người đi làm sau này được hưởng lương hưu cao nhưng trước mắt, cả hai đối tượng phải chịu “xuất” hầu bao là người lao động và chủ doanh nghiệp chẳng mặn mà. Một bên mất thêm tiền để chờ sau này 10-20 năm nữa được hưởng “thành quả”; còn một bên thì tiền “một đi không trở lại” .

Lạ nữa, là Luật ra đến 2 năm mà không biết vì sao, mãi đến lúc này khi chỉ còn 20 ngày nữa là đến thời điểm có hiệu lực, Bộ chủ quản LĐ-TB&XH mới “lề mề” soạn sửa Thông tư hướng dẫn. Và thế là để cho “ba bề bốn bên” đều nhấp nhổm, loay hoay không biết bắt đầu từ đâu và thực thi thế nào?! Âu lại cũng, “đau đẻ đành chờ …sáng giăng vậy” (?!)

MỚI - NÓNG