Háo danh và hư danh

Háo danh và hư danh
TP - Trên đời bao giờ cũng vậy, có cầu ắt có cung, hoặc ít nhất cũng có kẻ lợi dụng cái cầu kia mà bán hàng giả, khi họ không có hàng thật hoặc khi kẻ cầu quá ham hố thứ mà bình thường họ không tài nào có được.

Thứ mà chúng tôi muốn nói tới ở đây chính là thói háo danh, đã và đang lan tràn trong xã hội ta.

Doanh nghiệp đóng tiền để được “vinh danh” sao này sao nọ, nghệ sỹ sẵn sàng đạo nhạc, đạo thơ để nổi tiếng, để có giải thưởng, người đi học đua nhau làm “thạc sỹ”, làm “tiến sỹ” để oai  với đời cho dù bao năm chẳng có công trình nghiên cứu gì đáng kể. Ở chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa to bậc nhất TPHCM có mấy cái chuông, đôi ba cái đỉnh đồng rất lớn được cung tiến nhưng người ta cũng không quên ghi lên đó tên họ, địa chỉ vợ chồng “nhà tài trợ”. Trên báo, có lẽ thấy ghi “bác sỹ” chưa đủ, nhiều người yêu cầu phóng viên đến phỏng vấn phải ghi rõ “giáo sư-bác sỹ”, “thạc sỹ-bác sỹ” mới chịu. Trang bìa trong một tờ tạp chí, có tên người phụ trách ghi rất đầy đủ “nhà báo-cử nhân”, tức là phải đầy đủ “học hàm, học vị”. Thói háo danh lan tràn cả vào khuôn viên sư phạm khi người ta hăm he tự phong cả loạt giáo sư cho nhau mà chẳng qua một hội đồng thẩm định độc lập nào…

Và tất nhiên, khi thói háo danh lan tràn, sẽ có những kẻ vụ lợi, tìm cách kiếm chác thông qua những danh hiệu tự phong xủng xoảng rất hợp với cái mốt của thời cuộc.

Chỉ vài chục triệu đồng là doanh nghiệp có “sao”, doanh nhân lên báo, lên tivi với vòng hoa quấn cổ. Chỉ bỏ ra chút tiền là có cúp, có kỷ niệm chương, có bảng vàng thành tích.

Háo danh thực ra cũng chưa hẳn là xấu, nếu người háo danh ấy nỗ lực tìm cách khẳng định mình qua công việc, qua những cống hiến thực sự cho xã hội. Nó chỉ không đẹp khi người ta đua nhau tìm kiếm cái danh hão, danh tiếng đi mua, đi mượn.

Nhưng vấn đề lớn hơn là vì sao xã hội ta ngày càng có nhiều người ưa chuộng hư danh hoặc tìm đủ mọi cách để mua danh? Phải chăng vì trong nhiều trường hợp, cái danh hão kia vẫn giúp họ gặt hái “thành công”, gặt hái tiền bạc và nhiều thứ lợi ích khác? Phải chăng đang có những đảo lộn về giá trị trong tâm thức của nhiều nhóm người trong xã hội? Phải chăng đây là điều đáng ngại hơn cả: khi xã hội ưa chuộng hư danh thì điều đó đồng nghĩa thói giả dối đang lấn lướt và dần được đám đông chấp nhận như một thứ chính danh nào đó?

MỚI - NÓNG