Bài thơ nổi tiếng “Tổ quốc gọi tên”: Bỗng dưng bị tranh chấp bản quyền

NSƯT Tạ Minh Tâm và các người đẹp dự thi Hoa Hậu Việt Nam 2014 đang quay MV “Tổ quốc gọi tên mình”. Ảnh: Hồng Vĩnh
NSƯT Tạ Minh Tâm và các người đẹp dự thi Hoa Hậu Việt Nam 2014 đang quay MV “Tổ quốc gọi tên mình”. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Bài thơ khiến cộng đồng người nghe Việt dậy sóng bỗng dưng có người đứng ra tranh chấp bản quyền.

Nếu bài thơ không được phổ nhạc và trở nên nổi tiếng đến thế, liệu có hay không sự rắc rối lớn này? Ngày 2/10, từ Brussels, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai phải bàng hoàng, bức xúc viết thư ngỏ gửi tới báo chí cả nước: “Tôi là tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, hiện đang sống làm việc tại Brussels, Bỉ. Hiện nay có một người tên là Ngô Xuân Phúc đang sử dụng mạng xã hội để vu khống tôi, nói rằng tôi lấy cắp bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của ông ta…”.

Không chứng cứ, vẫn ngang nhiên tố cáo người khác

Ai cũng hỏi vậy người có tên Ngô Xuân Phúc này có hiện diện thật hay không? Hay mới chỉ là một status dài trên trang facebook cá nhân? Như chính người này trình bày trên facebook và phóng viên đã gọi điện để phỏng vấn qua điện thoại di động, thì anh ta hoàn toàn không có chứng cứ gì về việc bài thơ đó do mình sáng tác?

“Để bảo vệ danh dự của mình, tôi xin lên tiếng như sau – Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai nói - Là một người đã có các tác phẩm được xuất bản và giành các giải thưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Anh và Mỹ, bản quyền là điều tôi luôn tôn trọng trước tiên. 

Phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi, và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam. Tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết, bao gồm việc sử dụng pháp luật, để bảo vệ danh dự và uy tín của tôi, đáp lại sự tin yêu của bạn đọc”.

Quế Mai vốn là giọng thơ yêu nước từ rất lâu đã sống trong lòng bạn đọc không chỉ với bài thơ “Tổ quốc gọi tên” mà còn rất nhiều bài thơ khác trong các tập “Cởi gió”, “Những ngôi sao hình quang gánh”… Nhiều bài cùng chủ đề và gây ấn tượng mạnh như: “Là Việt”, “Đồng Lộc”, “Thời gian trắng”, “Hà Nội”, “Những ngôi sao hình quang gánh”… Trong khi đó, người tự xưng là Ngô Xuân Phúc không phải là người viết chuyên nghiệp và chưa từng công bố được bất cứ sáng tác nào?

Theo người này thì anh ta viết bài thơ vào năm 2008, sau đó anh muốn gửi gắm cho một người có họ Nguyễn Phan đứng tên? Tại sao lại phải lắt léo và giấu mặt như thế? Nếu anh ta thật sự là tài năng, và bài thơ thể hiện tinh thần yêu nước như thế thì tại sao chính anh không đứng tên giới thiệu tác phẩm của mình? Cũng không gửi đăng báo hay đăng ở bất cứ diễn đàn chính thống nào mà lại chỉ đăng trên mạng xã hội, blog? Rồi sau đó lại xóa đi?

Lai lịch nào cho bài thơ yêu nước?

Bài thơ nổi tiếng “Tổ quốc gọi tên”: Bỗng dưng bị tranh chấp bản quyền ảnh 1

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (thứ tư, từ phải sang) trong buổi ra mắt tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (tháng 7/2015)

Liên quan đến sự kiện ra đời bài thơ dậy sóng, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai lại nhớ rất rõ từng chi tiết. Chị kể: “Trước sự kiện tàu Bình Minh bị cắt cáp năm 2011, tôi cũng như các văn nghệ sĩ Việt Nam đều muốn cất lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền lãnh thổ qua các tác phẩm của mình. 

Nhưng cảm xúc về biển đảo thì nhiều, làm sao để có thể nói về chủ đề lớn lao này bằng những tứ thơ mới mẻ và đủ sức lay động lòng người? Tháng 6/2011 nhà văn, nhà báo Hòa Bình, khi đó đang làm việc tại báo điện tử Vietnamnet, đã liên hệ phỏng vấn tôi với chủ đề “văn nghệ sĩ và chủ quyền biển đảo”. Bài phỏng vấn có câu hỏi “chị có sáng tác mới nào về chủ quyền biển đảo hay không?”. Từ Hà Nội, đem theo những câu hỏi ấy ra sân bay đi châu Âu, tôi nhắn tin cho Hòa Bình rằng sẽ gửi trả lời sớm.   

Máy bay cất cánh. Tôi nghiêng người nhìn qua cửa sổ. Hà Nội trải dài dưới mắt tôi. Tổ quốc tôi đó, những ngôi nhà nhỏ xinh lấp lánh ánh nắng, những thửa ruộng ngời lên như ngọc, những lùm cây xanh thẳm bình yên đang tỏa bóng xuống dòng sông Hồng uốn quanh một dải lụa mềm. Điều gì sẽ xảy ra nếu sự bình yên ấy bị một thế lực nào giày xéo? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cắt rời những tấc biển khỏi tấc đất Việt Nam? Ôi Tổ quốc, Tổ quốc! Tôi gọi thầm và chợt tiếng động cơ máy bay như tiếng sóng vọng về:

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình

Bằng tiếng sóng Trường Sa Hoàng sa dội vào ghềnh đá…”

Hai câu thơ đầu tiên hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi tìm vội giấy bút. Như một mạch nước ngầm đã được khai thông, những câu thơ khác cứ thế tuôn trào. Tình cảm yêu thương dồn nén mà tôi dành cho dải đất Việt giờ đây được cất nên lời. Tôi viết rất nhanh, một mạch, không chỉnh sửa. 

Rồi tôi đọc lại, chọn lọc các khổ thơ, sửa chữa câu từ, sắp xếp chúng để các thông điệp của bài thơ được truyền tải rõ ràng và mạch lạc nhất. Bài thơ bắt đầu bằng nhịp điệu dồn dập, về những hiểm họa Tổ quốc đang phải đương đầu, về sự hy sinh, mất mát, để rồi thắp lên niềm tin về hòa bình. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi ước ao rằng tất cả những xung đột tranh chấp về biển đảo sẽ được hòa giải qua đối thoại, và sẽ không có chiến tranh, đầu rơi, máu đổ.

Bài thơ nổi tiếng “Tổ quốc gọi tên”: Bỗng dưng bị tranh chấp bản quyền ảnh 2

Bìa tập thơ của Nguyễn Phan Quế Mai

Khi máy bay đưa tôi vượt lên những tầng mây trắng, khi tôi không còn nhìn thấy hình hài Tổ quốc, bài thơ đã được hoàn thành. Hạ cánh xuống thành phố Franfurt, Đức, tôi quyết định gửi tác phẩm này cho một tờ báo giấy trước khi gửi cho báo mạng Vietnamnet. Tôi in báo giấy trước vì đây là một việc tôi vẫn thường làm đối với các tác phẩm mới nhất của mình. 

Tôi gửi bài thơ này cho nhà báo Hải Giang, báo Hà Nội mới vào lúc 23:21:22 giờ ngày 20/6/2011. Lá thư điện tử này tôi vẫn còn giữ, cũng như những trao đổi của chúng tôi về câu từ của bài thơ, xoay quanh các cụm từ như “kẻ thù”, “kẻ lạ mặt”. 

Bài thơ của tôi xuất hiện trên báo Hà Nội mới ngày 26/6/2011. Sau khi báo in, tôi gửi bài phỏng vấn cùng bài thơ “Tổ quốc gọi tên” cho nhà báo Hòa Bình. Ngày hôm sau, ngày 27/6/2011, bài thơ “Tổ quốc gọi tên” được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet. 

Tôi vẫn còn giữ các email liên lạc với nhà báo Hòa Bình vào thời điểm này, bao gồm trao đổi của chúng tôi về câu từ của bài thơ. Báo Hà Nội mới ra ngày 26/6/2011 cũng như đường link của báo Vietnamnet đăng bài phỏng vấn của tôi vẫn còn đó là minh chứng cho bản quyền của tôi về bài thơ”.

Lá thư của Ngô Xuân Phúc ngày 28/9 đề cập đến bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” đã không biết tới một chi tiết vô cùng quan trọng mà chỉ có người trong cuộc mới biết. Bài thơ của Quế Mai mang tên “Tổ quốc gọi tên” chứ không phải “Tổ quốc gọi tên mình”. Khi phổ nhạc bài thơ này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, dựa vào câu thơ đã đặt tên ca khúc là “Tổ quốc gọi tên mình”.

Bài thơ nổi tiếng “Tổ quốc gọi tên”: Bỗng dưng bị tranh chấp bản quyền ảnh 3

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (phải) và nhà văn Nguyễn Thị Hòa Bình

Sau khi bài thơ được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc thành bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”, tác phẩm đã nhận được sự đón nhận của rất nhiều các tầng lớp công chúng và giành được nhiều giải thưởng chuyên môn quan trọng của năm 2011.

 Tại sao vào năm 2011, Ngô Xuân Phúc không lên tiếng nhận mình là tác giả thơ mà phải chờ đến bốn năm sau? Ngô Xuân Phúc đã có bằng chứng nào về việc Nguyễn Phan Quế Mai có quen biết với bất cứ người bạn nào hoặc đã từng được gửi gắm/cho/tặng bài thơ này? 

Về các cáo buộc thiếu chứng cứ pháp lý của ông Ngô Xuân Phúc, Quế Mai cho biết: “Phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi, và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam. 

Qua các phương tiện truyền thông Việt Nam, tôi yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi tôi trước ngày 10/10/2015. Nếu không tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện ông ấy về tội vu khống. Hiện tôi đang liên lạc với luật sư, và sẽ làm việc đến cùng để chứng minh rằng tôi không thể nào dối trá trong tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình dành cho Tổ quốc”.

MỚI - NÓNG