Phải cập nhật liên tục
Trình bày tham luận “Hợp tác quốc tế trong đào tạo chuyên môn sâu”, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - HIU) nhìn nhận, công tác hợp tác quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực y tế (NLYT) chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng điều trị. Do đó, nguồn NLYT đóng vai trò then chốt cần phải cải tiến, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. |
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, một trong những kết quả phát triển NLYT là đã có sự gia tăng cán bộ, nhân viên y tế trong hơn 10 năm qua. Năm 2010, có khoảng 7,3 bác sĩ/10.000 dân. Đến năm 2023, số lượng này tăng gấp đôi với 13,3 bác sĩ/10.000 dân. Tuy vậy, mật độ nhân lực y tế trên thế giới vẫn thấp so với các nước.
Cùng với đó, kiến thức y khoa được cập nhật liên tục. Theo đó, năm 1950, mỗi 50 kiến thức y khoa tăng lên gấp đôi nhưng đến năm 2020, chỉ còn khoảng 73 ngày kiến thức y khoa tăng lên gấp đôi. Điều này đòi hỏi phải hợp tác quốc tế trong đào tạo để nâng cao chất lượng.
“Năm học 2020 – 2021, số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Việt Nam đã ký kết 1.500 hiệp định và thỏa thuận hợp tác giáo dục với các đối tác quốc tế. Trong đó, 1.200 hiệp định và thỏa thuận liên kết giữa các trường đại học trong nước và nước ngoài để cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, tính đến tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỷ USD, đến từ 33 quốc gia/vùng lãnh thổ”, bà Thuỷ nói.
Từ những thực tế trên, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ nêu ra một số giải pháp cần triển khai để thúc đẩy công tác này. Theo đó, đối với cơ quan quản lý, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ các bộ, ngành trong công tác kết nối hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Đồng thời xây dựng cơ chế để các giảng viên đào tạo nhân lực khối ngành sức khỏe với chương trình quốc tế tại các trường ngoài công lập tham gia kiêm nhiệm vào công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Năm học 2020 – 2021, số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập. |
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, đáp ứng nhu cầu điều trị; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực y tế, xây dựng nguồn tài liệu y văn mở. Với nhu cầu đó, bà Thuỷ cho biết, HIU đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động công tác góp phần nâng cao chất lượng nguồn NLYT. Trong đó, HIU là trường đại học đầu tiên đào tạo sinh viên quốc tế ngành y bằng tiếng Anh; tiến hành đào tạo liên kết 1-4-1 với Đại học Hiroshima, Nhật Bản…
Thí điểm mô hình
TS. BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết thời gian qua xuất hiện nhiều ca bệnh đột quỵ xảy ra ở nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp có vấn đề huyết khối trên bệnh lý đột quỵ và tim mạch, thậm chí ở cả bệnh nhi 4 - 5 tuổi.
Trong bối cảnh đó, nền y tế trong nước cũng đã tiếp cận được những công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay, giúp phát hiện được những tổn thương, khối u, mạch máu não… một cách rõ ràng, qua đó tránh được những tổn thương nặng cho bệnh nhân.
TS. BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ. |
Nhằm góp phần cứu chữa bệnh nhân đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ đã ứng dụng hệ thống máy móc tiên tiến, cùng những kỹ thuật phẫu thuật can thiệp, như máy MRI 3T Lumina, các máy DSA thế hệ mới, các thiết bị điều trị đột quỵ công nghệ cao…
“Nguồn nhân lực cũng đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ, liên kết và làm việc với các tổ chức về đột quỵ quốc tế, để đáp ứng nhu cầu mục tiêu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của ASEAN theo định hướng của Đảng, Nhà nước”, TS.BS Trần Chí Cường bày tỏ.
Trong khi đó, BS CKII Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ đề xuất Bộ Y tế tiếp tục triển khai đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2023 - 2030 cho các bệnh viện TP Cần Thơ và 12 tỉnh còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Xây dựng hệ thống mạng lưới bệnh viện theo chuyên ngành mang tính chất vùng, trong đó ngành y tế TPHCM và các bệnh viện Trung ương trên địa bàn TPHCM giữ vai trò đầu tàu, định hướng và hỗ trợ chuyên môn”, bà Nga đề xuất.
BS CKII Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ đề xuất Bộ Y tế tiếp tục triển khai đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2023 - 2030 cho Đồng bằng sông Cửu Long. |
Đồng thời, tăng cường ký kết hợp tác giữa các trường đại học y dược với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao năng lực y tế các tuyến cho từng địa phương; kết nối với các đối tác tài trợ, hỗ trợ các chương trình, dự án theo từng chuyên ngành thông qua các tổ chức phi chính phủ hoạt động lĩnh vực y tế tại Việt Nam.
Bà Nga cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm các mô hình, giải pháp giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành theo chuyên ngành. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số y tế theo chuyên ngành mang tính chất vùng trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.