Sẵn sàng trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng nay (19/10), tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN”.

Từ chăm sóc sức khỏe bằng kỹ thuật chuyên sâu

Một cặp vợ chồng ở TPHCM vô sinh do người chồng mắc hội chứng Klinefelter - một hội chứng bất thường nhiễm sắc thể khiến người chồng không thể có tinh trùng. Một cặp vợ chồng thứ 2 ở Bình Dương, chồng không mắc hội chứng bất thường nhiễm sắc thể nhưng không có tinh trùng do bệnh lý khác. Tưởng chừng không thể có con, nhưng những cặp vợ chồng trên đã thực hiện được ước mơ làm cha mẹ nhờ kỹ thuật ROSI, tức “ghép đôi” tinh trùng non lấy từ chồng với trứng của vợ, được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) thực hiện thành công vào tháng 5/2022.

Sẵn sàng trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN ảnh 1

Sinh viên nước ngoài đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thực hành y khoa Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đây là hai trường hợp vô sinh điều trị thành công đầu tiên tại bệnh viện nhờ kỹ thuật ROSI và cũng là những trường hợp đầu tiên tại Việt Nam. Thành công của kỹ thuật này đã mở ra niềm hy vọng mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Ngoài những bước tiến vượt bậc trong hỗ trợ sinh sản, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khám chữa bệnh tại TPHCM cũng ghi nhận những bước tiến quan trọng.

Sau ca mổ lấy hết khối u trong não vào tháng 5/2023, bệnh nhân P.T.T.T (23 tuổi, quê An Giang) hồi tỉnh, phản ứng tốt, tri giác cải thiện. Sau mổ 3 ngày, người bệnh tập vật lý trị liệu, đi lại được và xuất viện sau 7 ngày. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công với rô-bốt mổ não thế hệ mới đầu tiên có mặt tại Việt Nam có tên Modus V Synaptive. Hiện nay, chỉ có 10 quốc gia ứng dụng rô-bốt này, đa số ở châu Âu, Mỹ. Tại Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM là đơn vị đầu tiên ứng dụng robot Modus V Synaptive thế hệ mới.

TTƯT.ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, thông tin: Rô-bốt cho phép các bác sĩ thiết lập mổ mô phỏng 3D trên phần mềm chuyên dụng. Một khả năng kỳ diệu khác của rô-bốt này là bác sĩ có thể phẫu thuật trong lúc bệnh nhân tỉnh và giao tiếp được (mổ tỉnh).

“Phương thức mổ tỉnh có thể áp dụng cho các trường hợp phẫu thuật xuất huyết não hoặc mổ vùng não chịu trách nhiệm về chức năng vận động. Khi đó, bác sĩ có thể giao tiếp, yêu cầu người bệnh thao tác (khi cần) để đảm bảo quá trình phẫu thuật không làm tổn thương các dây thần kinh hay mô não lành tương ứng”, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nói.

Cuối tháng 5/2020, bệnh nhân Lê Văn Mến (35 tuổi, An Giang) đến Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc để mong tìm lại gương mặt bị căn bệnh quái ác cướp đi vào năm 20 tuổi. Người đàn ông này mang một gương mặt chảy xệ biến dạng, ánh mắt đỏ ngầu, giọng nói ngọng nghịu. Chuyện bình thường như ngủ, ăn uống đều là cực hình với anh.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc cho biết, sau hơn bốn tháng nghiên cứu, nhóm chuyên gia gồm các bác sĩ đầu ngành… của Mỹ, Nhật và Việt Nam đã tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Anh Mến mắc hội chứng Melkersson Rosenthal Syndrome (MRS), một hội chứng da-thần kinh hiếm gặp với 3 biểu hiện kinh điển là phù mặt tái diễn, liệt mặt và nứt lưỡi. Sau vài tháng áp dụng phác đồ điều trị, nam bệnh nhân này không còn ngủ ngồi, giọng nói dễ nghe hơn, gương mặt gọn và dễ nhìn hơn.

Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo

Bên cạnh việc chăm sóc sức khoẻ, công tác đào tạo và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở, đơn vị y tế trong và ngoài nước, kể cả một số quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản... tại TPHCM đã thu được nhiều kết quả ấn tượng.

BSCK2 Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, thông tin: Trung tâm đột quỵ chuyên sâu của bệnh viện với quy mô 180 giường đã cứu chữa hàng chục nghìn bệnh nhân. Đến nay, bệnh viện đã giúp đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về đột quỵ, hỗ trợ tư vấn thành lập các đơn vị đột quỵ cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Thống kê từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, năm 2022, có 3 bác sĩ Indonesia tới bệnh viện học phẫu thuật cắt gan tại chuyên khoa u gan. Đến năm nay, đã có 8 bác sĩ đến từ Indonesia và Philippines tiếp tục sang bệnh viện học các kỹ thuật chuyên sâu về u gan, nội soi, ngoại tiêu hoá.

Không chỉ đào tạo chuyên sâu cho các bác sĩ nước ngoài, số lượng sinh viên từ các nước phát triển đến Bệnh viện Chợ Rẫy học tập cũng tăng nhanh qua từng năm. Năm 2022, có 70 sinh viên đến từ các nước Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Hungary, Áo, Úc tới bệnh viện học tập. Đến năm 2023, con số này tăng lên đến 240 sinh viên, rải đều ở hầu hết các chuyên khoa.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và đào tạo cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 123 học viên nước ngoài đến bệnh viện học tập. Ngoài ra, các cơ sở y tế, trường đại học trong nước hàng năm cũng gửi hàng trăm học viên đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thực hành.

PGS.TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, các bệnh viện tại TPHCM thu hút được học viên người nước ngoài, phát triển y tế chuyên sâu do có những bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt với các chuyên khoa sâu, đội ngũ cán bộ có năng lực, uy tín trong và ngoài nước, cán bộ trẻ được đào tạo nước ngoài, mô hình viện - trường đem lại nhiều hiệu quả.

Tuy vậy, theo ông Trung, TPHCM vẫn còn không ít khó khăn trong hành trình trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Đó là đầu tư trang thiết bị, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế chưa đồng đều, hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Trong khi đó, các hội thảo chuyên ngành chưa thực sự phát huy vai trò liên kết quốc tế.

Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề: Phát triển y tế chuyên sâu chăm sóc người bệnh trong nước và quốc tế (chuyên đề 1); Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN (chuyên đề 2). Các phiên sẽ được các diễn giả đến từ Bộ Y tế, sở Y tế các tỉnh thành, bệnh viện và các viện, trường đào tạo y khoa tham luận và thảo luận. Hội thảo diễn ra trực tiếp tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (số 215 đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) và trực tuyến trên các nền tảng số của báo Tiền Phong cùng các đối tác phối hợp tổ chức.

Ban tổ chức Hội thảo vinh dự đồng hành cùng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Bệnh viện Tâm Anh (nhà tài trợ Kim cương cho hội thảo); các nhà tài trợ Vàng: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ; Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn; Công ty TNHH SIEMENS; Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết bị Y tế Việt Mỹ; các nhà tài trợ Bạc: Bệnh viện Quốc tế DNA, Công ty Stella pharm, Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Công ty MERAP, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW tại TPHCM, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Thẩm mỹ JW, European Wellness - Hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện đến từ châu Âu; các nhà tài trợ Đồng: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Công ty GONSA, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM.

MỚI - NÓNG