Đánh trận giả

Đánh trận giả
TP - Mục đích của việc tổ chức một kỳ thi quốc gia là làm nhẹ, giảm bớt căng thẳng cho học sinh, giảm chi phí cho toàn xã hội.

Và cũng có thể nói, mục đích cao hơn là sự đổi mới giáo dục, cụ thể trong việc dạy và học, tuyển sinh, để sự học diễn ra thực chất hơn, học sinh vui học hơn, sáng tạo hơn.

Nhưng ở thời điểm này, trước kỳ thi quốc gia lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 7, nhiều trường trung học tại TPHCM đã như “lò luyện đan” khi học sinh được tổ chức “cấm trại”, ngày đêm luyện thi và cứ cuối tuần lại có một đợt thi thử. Có những trường tổ chức tới 6-7 kỳ thi thử để “gà nhà” tập luyện. Nói học sinh tập thi chẳng khác gì tập đánh trận giả có lẽ cũng chẳng ngoa chút nào. Ở những trường có đa số học sinh ở nội trú thì không khí luyện thi chẳng khác gì trại lính.

Với 6-7 kỳ thi thử và thay vì hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học nay còn một, xã hội có thể được lợi khi có thể giảm bớt các chi phí tổ chức thi nhưng mục tiêu quan trọng là giảm tải cho học sinh, đổi mới một cách thực chất việc dạy và học vẫn chưa thể đạt được. Có chăng là học sinh thay vì phải tham gia hai kỳ thi thì nay dồn tất cả căng thẳng của hai kỳ thi ấy vào làm một mà thôi.

Bởi chỉ giảm bớt số lượng kỳ thi (thật) nhưng cách dạy, cách học vẫn chưa đổi mới đủ và kịp thời, người lớn vẫn tiếp tục chạy theo căn bệnh thành tích, học sinh vẫn chưa thực sự “học vui, vui học” thì sự căng thẳng và áp lực ghê gớm vẫn đè nặng lên đôi vai học trò.

Tất nhiên, lần đầu tổ chức một cuộc thi chung tầm cỡ quốc gia với rất nhiều mục tiêu, chuyện có việc này việc kia cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, công cuộc cải tổ nào cũng cần có những bước đi khởi động. Kỳ thì quốc gia là một trong những bước cơ bản, tạo động lực và tiền đề cho các bước đi tiếp theo của chương trình đổi mới giáo dục. Kể từ điểm khởi đầu với hàng loạt kỳ thi từ cấp mầm non, cấp tiểu học, trung học, đại học, nay chúng ta đã dần loại bỏ được một hai kỳ thi không cần thiết.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó hoặc không có những đổi mới cốt lõi ở tư duy, phương pháp luận giáo dục, những chương trình cải cách khó mà mang lại kết quả cao. Câu chuyện thi thử như đánh trận giả tại TPHCM chính là một lời cảnh báo cho điều đó.

MỚI - NÓNG