Đánh thức tiềm năng du lịch dưới đỉnh Phia Oắc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đam mê khám phá cùng khát vọng vươn lên thoát nghèo, chàng trai Chu Tiến Thanh (SN 1992, xóm Lũng Mười, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã “đánh thức” tiềm năng du lịch ở dưới đỉnh Phia Oắc.
Đánh thức tiềm năng du lịch dưới đỉnh Phia Oắc ảnh 1
Chu Tiến Thanh dẫn du khách đi ngắm vẻ đẹp của đỉnh Phia Oắc

Tận dụng ưu đãi của thiên nhiên

Từ thành phố Cao Bằng, chúng tôi vượt qua hơn 50km đường uốn lượn quanh co vắt qua các eo núi đến xóm Lũng Mười. Chu Tiến Thanh ra tận đầu xóm đón khách. Homestay Lũng Mười hiện ra trước mắt đẹp lung linh nằm trên gò đồi cao nhất thôn.

Homestay Lũng Mười của Thanh là ngôi nhà gỗ, lợp ngói âm dương nguyên bản của người Dao Tiền. Xung quanh có nhiều phiến đá làm tường rào, lát lối đi khiến homestay càng có nét độc đáo riêng. Từ ngôi nhà du khách có thể nhìn ra toàn cảnh của thung lũng, được ngắm con suối chảy róc rách và đỉnh Phia Oắc sương phủ huyền ảo.

Điểm nhấn gây chú ý trong ngôi nhà gỗ là những bộ trang phục của người Dao Tiền nguyên bản treo trên tường với màu sắc trang nhã. Thanh chia sẻ, cậu là người thích khám phá. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cậu đã đi nhiều khu du lịch trong tỉnh Cao Bằng để tìm hiểu, học tập những mô hình kinh doanh homestay đã thành công.

“Với số vốn gần 300 triệu đồng vay từ bạn bè, người thân, tôi xây dựng homestay Lũng Mười mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Dao Tiền. Ở đây có thế mạnh về vị trí địa lý, cảnh quan, môi trường, nên dễ dàng thu hút du khách trong và ngoài nước”, Thanh chia sẻ.

Người dân quê Thanh bao đời sống bằng nương rẫy, trồng ngô, trồng sắn, khiến cho cái nghèo cứ bám riết từ đời này qua đời khác. Khi xa quê Thanh nhận ra thế mạnh tiềm ẩn về du lịch của quê hương mình, có thể dựa vào đó làm du lịch cộng đồng để thoát nghèo. Đỉnh Phia Oắc nằm trong quần thể san hô cổ Lang Môn, đồn Phai Khắt, thung lũng treo Tĩnh Túc, mỏ thiếc Tĩnh Túc…

Thay đổi tư duy dân nghèo

Không chỉ là ông chủ trẻ thân thiện, vui tính, thuộc lòng các điểm du lịch ở địa phương, Thanh còn là một đầu bếp thuần thục các món ăn truyền thống, nắm rõ các loại gia vị tẩm ướp thịt lợn đen, gà bản... chế biến các món ăn đậm đà hương vị núi rừng.

Anh Vũ Văn Tự (ở tỉnh Hưng Yên), đến nghỉ dưỡng tại homestay Lũng Mười rất ấn tượng với các món ăn do chính tay Thanh chế biến. “Đến đây không chỉ được sống trong không gian đậm chất văn hóa của người Dao, cảnh quan tuyệt vời, mà còn được thưởng thức các món ăn ngon đặc trưng của đồng bào dân tộc. Chắc chắn tôi sẽ quay lại nơi này”, anh Tự nói.

Ông Hoàng Quốc Trấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, Chu Tiến Thanh đã biết phát huy những giá trị văn hóa, vị trí địa lý, tiềm năng du lịch của địa phương để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và bước đầu đã mang lại thành công. “Từ thành công của homestay Lũng Mười, sẽ tạo ra hướng đi mới giúp nhân dân nơi đây phát triển du lịch hướng tới xóa đói, giảm nghèo”, ông Trấn nói.

Với thành công ban đầu, homestay Lũng Mười đã trở thành một “điểm đến” của du khách thích khám phá thiên nhiên. Thanh đang vận động các hộ dân ở Lũng Mười cùng làm du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Để thuyết phục người dân, nhất là thanh niên Lũng Mười làm du lịch, anh thiết kế các tua, rồi mời họ tham gia dẫn khách xuống suối bắt ốc, bắt cá.

“Để họ thay đổi tư duy chuyển từ làm nông sang làm du lịch và biết kết hợp phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, tôi đang cố gắng vận động người dân Lũng Mười thay đổi nếp sống, xây dựng môi trường sạch đẹp. Đặc biệt, vận động người dân bảo tồn, phát huy những nét văn hóa của người Dao Tiền”, Thanh chia sẻ.

Homestay Lũng Mười đón hơn 100 đoàn khách mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân bản địa. Thanh mong muốn trong tương lai xây dựng Lũng Mười thành quần thể du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

“Tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm du lịch, ẩm thực. Nơi đây sẽ trở thành điểm kết nối các điểm du lịch trong vùng”, Thanh nói thêm.

MỚI - NÓNG