Về buôn du lịch trồng rừng

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Ngày Môi trường thế giới chúng ta lại lên đường trồng cây. Nhưng lần này sẽ đặc biệt hơn khi mang đến cho buôn làng chiếc áo gấm màu vàng son của “Hoa dã quỳ”, giúp bà con làm nông nghiệp sạch”- lời mời gọi hấp dẫn của anh Phạm Quang Thái, chủ Vườn ươm Quang Thái đã thu hút hơn 20 bạn trẻ lên đường.

Như đã hẹn, sáng Chủ Nhật đầu tiên của tháng Sáu - Ngày Môi trường thế giới (5/6), chúng tôi cùng hơn 20 bạn trẻ yêu thiên nhiên đến từ nhiều địa phương khác nhau tụ họp đông đủ tại Vườn ươm Quang Thái, nằm ngoại ô TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Anh Phạm Quang Thái- chủ vườn, Ủy viên Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường khu vực Tây Nguyên- người khởi xướng cho chuyến về buôn du lịch trồng rừng đãi nhóm bạn bữa sáng thực dưỡng hạt kơ nia nhâm nhi cùng ly cà phê nguyên chất.

Khi ông mặt trời nhô cao, phả hơi nóng hong khô những giọt sương còn đọng trên kẽ lá, nhóm “Hoa dã quỳ” mang theo bầu cây kơ nia, mắc ca, dổi, sâm… cùng những “Bom hạt giống” (một phương pháp gieo trồng hạt giống được bọc trong vật liệu đất) đã chuẩn bị từ trước mang về buôn D’rung- hòn đảo nhỏ giữa hồ Lắk thơ mộng thuộc xã Yang Tao, huyện Lắk.

“Thông qua việc trồng, tặng cây giống cho bà con, tôi mong muốn tạo nên một hệ sinh thái vườn rừng đa tầng tán. Người dân vừa có thu nhập ổn định, thiên nhiên lại có thêm sắc xanh. Một cây, hai cây rồi nhiều cây nữa, cứ thế buôn làng thêm xanh, tạo không gian lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa mang lại thu nhập, đời sống ổn định cho bà con”.

Anh Phạm Quang Thái, chủ Vườn ươm Quang Thái

Hai bên đường về buôn phủ đầy những dãy hoa dã quỳ xanh ngát. Nhóm bạn không quên dừng chân hái trái, cắt cành dã quỳ mang về buôn gieo trồng. Dưới cái nắng, cái gió đại ngàn, nhóm bạn trẻ khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện nhanh chóng vào việc. Nam thanh niên phụ trách đào hố, nhóm bạn nữ theo sau trồng cây, dăm cành dã quỳ. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt song ai nấy đều nở nụ cười tươi rói.

Chị Nguyễn Tình (TP.Buôn Ma Thuột) chia sẻ, chính tình yêu thiên nhiên giúp chị biết đến các dự án trồng rừng của anh Thái. Với chị, chuyến về buôn làng lần này rất ý nghĩa. Không chỉ được gặp các bạn chung tình yêu rừng, chị còn được trò chuyện cùng bà con buôn làng hiền lành thân thiện, bình dị, mến khách. Đặc biệt, chuyến đi trao cho chị cơ hội góp chút nhỏ vào hành trình trồng cây, gieo mầm xanh, bảo vệ thiên nhiên. Chị Tình mong muốn, thời gian tới sẽ được tham gia nhiều chuyến về buôn du lịch trồng rừng.

Về buôn du lịch trồng rừng ảnh 1

Nhóm bạn trẻ làm “Bom hạt giống” Ảnh: H.T

Cũng bị hấp dẫn bởi lời mời gọi thân thương, bạn Nguyễn Thị Phương Hằng vượt 70 cây số từ huyện Krông Năng lên TP.Buôn Ma Thuột tham gia cùng nhóm “Hoa dã quỳ” về buôn trồng rừng nhân Ngày Môi trường thế giới. Đặt chân đến nhiều nơi, song với Hằng, chuyến về buôn D’rung đặc biệt nhất từ trước đến nay vì vừa được du lịch, ngắm cảnh làng quê, vừa trồng cây, tạo màu xanh cho buôn làng. Hằng hy vọng có cơ hội quay trở lại, được thấy những thảm hoa dã quỳ vàng rực khoe sắc, được đi dưới những tán cây xanh mà bản thân góp sức nhỏ ươm trồng.

Là người lên ý tưởng, thực hiện chuyến về buôn du lịch trồng rừng, anh Phạm Quang Thái chia sẻ, công việc cho anh cơ hội đi nhiều nơi, chứng kiến và thấu hiểu nỗi đau của những cánh rừng bị tàn phá, cạo trọc. Từ đó, anh nhận ra, bảo vệ và làm giàu tài nguyên rừng không ai khác chính là người dân- chủ thể gắn bó mật thiết với rừng. Do đó, anh phát triển mô hình vườn rừng tại những buôn làng gần rừng.

Về buôn du lịch trồng rừng ảnh 2

Trí thức trẻ hỗ trợ mô hình trồng chè ở Thái Nguyên Ảnh: Xuân Tùng

Để thực hiện mô hình hiệu quả, anh Thái tổ chức chương trình du lịch về buôn. Chương trình như một chuyến du lịch khám phá buôn làng, vừa làm được việc ý nghĩa là đặt mầm xanh, trồng cây gây rừng. “Để mô hình trồng cây xanh được nhân rộng, rất cần sự chung tay của cộng đồng, nhất là các bạn trẻ- những người tiên phong đặt nền móng, phát triển phong trào trồng cây xanh, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên”, anh Thái nói thêm.

MỚI - NÓNG