Chàng trai Tày khởi nghiệp từ cây dân dã

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chàng trai dân tộc Tày An Văn Tuấn khởi nghiệp thành công tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe từ những loài cây bình dị, dân dã. Sản phẩm tinh dầu từ cây đại bi của anh đã góp phần phát triển thế mạnh của vùng cao Lào Cai.

Chiết xuất tinh dầu từ cây dại

An Văn Tuấn (SN 1991) lớn lên ở Chiềng Ken, xã nghèo của huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai), kinh tế chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp. Tuấn tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam. Anh từng làm ở nhiều công ty, nhưng rồi quyết định khởi nghiệp gắn với mô hình hợp tác xã sản xuất tinh dầu từ các cây trồng tự nhiên sẵn có của quê hương như sả, tía tô... Ý tưởng chế xuất tinh dầu đại bi - loài cây mọc hoang dại ở vùng đồi núi, tình cờ đến với Tuấn khi hái lá nghiền uống theo kinh nghiệm dân gian để giải cảm, đau đầu.

“Tôi lấy lá vò rồi pha với nước thì thấy có váng nổi lên, nên nghĩ ngay loại cây này có tinh dầu, rồi mày mò tìm hiểu và quyết định thử nghiệm”, Tuấn nói. Nguồn tài liệu trong nước lẫn nước ngoài về điều chế tinh dầu cây đại bi có phần “hẻo”, thị trường ở Việt Nam lại chưa có loại sản phẩm này càng kích thích Tuấn theo đuổi.

Mẻ thử nghiệm đầu tiên, Tuấn sử dụng 1 tấn nguyên liệu đại bi tươi và phương pháp chưng cất như với sả. Cách làm này, Tuấn chỉ thu được một lọ tinh dầu bằng ngón tay khoảng 30ml, đồng nghĩa với chi phí lớn, giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Sau những lần nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp chưng cất, tháng 5/2020, Tuấn thu được kết quả mỹ mãn với 500ml tinh dầu/tấn nguyên liệu tươi.

“Trên thị trường Việt Nam chưa có sản phẩm nào được sản xuất từ cây đại bi, ở Philippines và Trung Quốc phát triển khá mạnh về cây dược liệu này, nhưng sản phẩm của họ chủ yếu là dạng bột trà tinh dầu. Dù lượng tinh dầu trong cây đại bi thấp, nhưng lại có nhiều công dụng đã thôi thúc tôi theo đuổi và đưa hợp tác xã trở thành đơn vị duy nhất sản xuất sản phẩm này ở thị trường trong nước”. An Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thái Tuấn

Theo Tuấn, lá cây đại bi tươi tốt và có thể thu hái quanh năm, phải sau 10 năm mới cần trồng lại và tận thu được rễ cây để làm dược liệu. Cây đại bi có chứa nhiều tinh dầu, nhất là phần lá. Qua thử nghiệm đo lường chất lượng, cây này có nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe như vitamin C, protit, lipit, sắt, canxi… Trong Đông y, cây đại bi có tác dụng kinh phế và thận, được sử dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh về hô hấp, giảm đau, giảm viêm nhiễm, điều trị vết thương, chấn thương, hôn mê, tan máu. Đặc biệt, tinh dầu đại bi không gây nhiệt nóng như một số loại khác.

Chàng trai Tày khởi nghiệp từ cây dân dã ảnh 1

An Văn Tuấn (thứ tư từ trái sang) đã thành công với việc phát triển sản phẩm từ cây đại bi

Ảnh: NVCC

“Việc chiết xuất thành công tinh dầu đại bi có ý nghĩa lớn đối với sử dụng cây thảo dược bản địa, tạo ra những sản phẩm dễ sử dụng và tiện lợi cho người dân. Bên cạnh đó, khi sản xuất còn tận thu được các sản phẩm khác để tăng hiệu quả kinh tế, năng suất kinh doanh và bảo vệ môi trường”, Tuấn nói và chỉ ra vùng nguyên liệu gần 20ha đại bi sẵn có tự nhiên.

Tìm lối đi riêng, tăng thu nhập cho người dân

Chiết xuất tinh dầu đại bi nhanh chóng được xác định làm sản phẩm chủ lực của HTX Thế Tuấn, do Tuấn và 6 đoàn viên thanh niên thôn Ken 1 (xã Chiềng Ken) thành lập. Năm 2021, sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) “3 sao” của tỉnh Lào Cai, được giới thiệu quảng bá trong nhiều chương trình, triển lãm sản phẩm nông nghiệp và xuất hiện trên nhiều sàn thương mại điện tử trong nước. Ý tưởng và dự án sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây đại bi của Tuấn từng được đánh giá cao, lọt vào Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Tuấn cho biết, doanh thu năm 2021 của HTX đạt hơn 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 30%. Bên cạnh việc tạo việc làm ổn định cho gần chục nhân công, còn tạo việc làm, nguồn thu cho nhiều lao động thời vụ qua việc thu hái nguyên liệu. Một người có thể hái được 4 tạ/ngày, với giá 1.500 đồng/kg, họ có thể có thu 500 - 600 nghìn đồng.

Để có những thành quả đó, Tuấn và cộng sự miệt mài làm truyền thông, giới thiệu về loài cây đại bi “không phải ai cũng biết”. Đặc biệt là quảng bá về những thông tin về dược tính, công dụng của loại cây này gắn với những bài thuốc trong Đông y, bài thuốc dân gian của người Tày để chữa trị nhiều bệnh thông thường như cảm, hạ sốt, nhức đầu, ho, hen suyễn đến bệnh lý mãn tính như dạ dày... Tuấn cũng tiếp thị sản phẩm ở các khu du lịch, các chương trình hội nghị, triển lãm để mời mọi người sử dụng miễn phí trải nghiệm sản phẩm, nhất là những người đang say xe, thiếu tỉnh táo.

Chàng trai Tày khởi nghiệp từ cây dân dã ảnh 2

HTX do An Văn Tuấn làm giám đốc thu mua cây đại bi từ của người dân Ảnh: NVCC

Đến nay, từ sản phẩm tinh dầu, HTX của Tuấn đã cho ra thêm nhiều loại sản phẩm từ cây đại bi như trà túi lọc, cao lá, tinh chất, tinh dầu, nước súc miệng... Đồng thời, Tuấn cũng cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới liên quan đến cây tía tô, sả, màng tang như cao lá, xịt khoáng, bột đắp mặt nạ.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.