Không phải một thí nghiệm hay phương pháp điều trị, kiểu giật điện này nhằm mô phỏng cảm giác phải trải qua khi sinh con. Họ được gắn lên bụng các miếng cực điện và y tá sẽ nâng dần mức dòng điện chạy qua cơ thể. Liệu pháp bằng điện, có lúc được dùng trong quá trình hồi phục, bây giờ dùng để mô phỏng cảm giác đau đẻ khi dòng điện làm các cơ co lại. Không giống đẻ thật, các trải nghiệm này chỉ kéo dài từ 3-5 phút.
Ông bố tương lai Ning Wentao, 28 tuổi, cho biết anh đồng ý tham gia chương trình này để thể hiện sự đồng cảm và động viên người vợ của mình.
Những người đàn ông tham gia trải nghiệm này ngày một nhiều ở Tế Nam. Kể từ tháng 11, khi bệnh viện phụ sản Aima Tế Nam phát động chương trình “Trải nghiệm nỗi đau” (Pain Experience Camp), đã thu hút sự tham gia của hơn 300 người đàn ông, Liu Yang - giám đốc marketing của bệnh viện cho biết.
Lãnh đạo Aima đã nảy ra ý định sau một cuộc thăm dò ý kiến của bệnh nhân và nhận thấy rằng các bà mẹ mang thai muốn nhận được nhiều cảm thông từ phía chồng mình hơn nữa, Tổng giám đốc của Aima còn nói: “Phụ nữ sẽ rất hoan nghênh ý tưởng này”. Theo ông, chương trình còn là cơ hội để các ông chồng thể hiện thêm tình yêu và sự quan tâm của mình hơn nữa.
Cơn đau đẻ mô phỏng đã từng được thử ở nhiều nơi trên thế giới. Năm ngoái, hai người đàn ông ở bang Michigan (Mỹ) đã trải nghiệm một sự mô phỏng giống như vậy: nằm trên một chiếc giường và cũng gắn các thiết bị điện lên người. Video quay lại quá trình “đau đẻ” của họ đã thu hút hàng triệu lượt người xem. Ngoài ra còn có hai MC người Hà Lan của chương trình Guinea Pigs cũng được ghi nhận đã từng tham gia.
Theo các nhà xã hội học, đối với một nước luôn coi trọng nam giới hơn như Trung Quốc, nhất là những xung đột giới tính có thể đã góp phần khiến chương trình này trở nên nổi tiếng một cách bất ngờ đến vậy.
Phụ nữ nước này đã nói rằng dù Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nâng tầm phụ nữ lên cao hơn bằng cách khuyến khích họ tham gia lao động khi đất nước thành lập năm 1949. Nhưng ông đã thất bại khi muốn giúp họ giảm gánh nặng và san sẻ việc nhà của họ. Áp lực lên những người phụ nữ khi phải chu cấp tiền và thức ăn cho bố mẹ chồng vẫn còn rất cao.
“Cơn đau do sinh đẻ ngắn hơn nhiều so với cơn đau trường kỳ của những đau khổ xã hội giữa nam và nữ”, phó giáo sư Sun Peidong của đại học Fudan Thượng Hải nhận xét.
Bà nói rằng áp lực về giới tính đã được thể hiện trong sự phổ biến của các chương trình truyền hình như “Baba Qu Nar” (Bố ơi! Mình đi đâu thế?).
Chương trình thực tế này cho thấy sự ngô nghê của cánh đàn ông khi lần đầu đi chơi riêng với con cái. Đối với nhiều ông bố, việc phải khẩn trương tìm âu bột hay đứng bếp nấu ăn là một trải nghiệm rất mới.