Tiền có xu hướng vào BĐS
Tại hội thảo về tỷ giá do Học viện Tài chính tổ chức mới đây, TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư nói rằng: Ngoài vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, kiều hối đang “bơm” cho nền kinh tế, hiện tồn một luồng tiền trong dân cư. Tuy không thể xác định cụ thể số tiền này khoảng bao nhiêu nhưng theo TS Kim Chung, nó chiếm một lượng khá lớn và đang được phân bổ: Một phần được “rót” vào thị trường vàng; một phần vào thị trường chứng khoán và một phần không nhỏ đã đổ vào bất động sản (BĐS). Thậm chí, với sự lình xình của chứng khoán trong mức 500 điểm cả năm nay của VN- Index, nếu năm nay “bùng” lên trên 600 - 700 điểm được, lúc đó phần tiền chốt lời từ chứng khoán cuối năm sẽ tiếp tục “chảy” sang BĐS.
“Việc cân nhắc lựa chọn kênh đầu tư nào tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người, kỳ vọng lợi nhuận và mức độ chấp nhận rủi ro của họ. Để đưa ra một quyết định đầu tư đúng đắn, mỗi nhà đầu tư cần phân tích đầy đủ các yếu tố. Đa dạng hóa danh mục đầu tư là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo toàn vốn và tối ưu hóa khả năng sinh lời của nguồn vốn nhàn rỗi”.
TS Lê Đăng Doanh
Cũng nhận xét về thị trường BĐS, nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính khẳng định với mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, dòng tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng “chảy” vào BĐS. “Đơn cử, 3 tháng đầu năm 2015, tính thanh khoản BĐS cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đã có 8.200 giao dịch thành công tại hai thành phố”, nhóm này cho biết.
Liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 0,94% so với tháng 12 năm 2014. Còn tại Hà Nội, cập nhật mới nhất, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD ước tính tháng 5 đạt 1.276 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với tháng 12/2014. Tại TP HCM, con số này lại kém lạc quan hơn khi chỉ tăng với tốc độ khiêm tốn 0,4%.
Theo lý giải của lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, nguyên nhân tốc độ tiền gửi suy giảm chủ yếu do việc giảm đáng kể lãi suất tiền gửi thời gian gần đây. Cụ thể, lãi suất huy động VND đã giảm chỉ còn 0,8% -1%/năm theo kỳ hạn 1 tháng, 4,5% - 5,4%/ năm kỳ hạn 1-6 tháng, 5,4% - 6,5%/năm từ 6 đến 12 tháng. Và 6,4% - 7,2%/năm kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, thị trường BĐS đang ấm dần lên, rất nhiều người gửi tiền đã rút tiền tiết kiệm để mua nhà.
Với vàng, một kênh đầu tư vốn hấp dẫn từ trước đến nay, mức tiêu thụ hiện ra sao? Theo báo cáo của Hiệp hội Vàng Thế giới, tổng lượng tiêu thụ vàng của Việt Nam trong quý I/2015 đứng ở mức cao nhất trong vòng 4 quý trở lại đây với 18,3 tấn, tăng so với mức 15,8 tấn quý trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ giảm sút là 7% và lượng vàng thỏi cũng có xu hướng giảm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một trưởng phòng kinh doanh thuộc Cty vàng bạc đá quý chia sẻ, hiện tình hình kinh doanh không mấy thuận, giao dịch rất ít. “Lượng vàng mua bán hằng ngày chỉ từ 20 đến 30 lượng, còn lợi nhuận cũng chỉ được vài trăm ngàn. Nói chung năm nay xu hướng tích trữ và mua vàng giảm hẳn”, ông này nói.
Cân nhắc kênh đầu tư
Đưa ra góc nhìn về các kênh đầu tư trong giai đoạn từ 2012 đến nay, theo ông Lê Văn Phán - Cty Quản lý Quỹ VinaWealth, từ góc độ đầu tư cá nhân có thể thấy, gửi tiền ngân hàng an toàn, tiện lợi, linh hoạt và thanh khoản cao nhưng lãi suất liên tục đi xuống (vì vậy lợi nhuận của kênh đầu tư này ngày càng kém hấp dẫn). “Đây cũng là lý do người Việt Nam đang muốn dịch chuyển từ kênh gửi tiền sang các kênh đầu tư khác, ví như cổ phiếu, cổ phần”, ông Phán phân tích.
Đối với kênh đầu tư vào vàng, ông Phán cũng cho rằng, do khó nắm bắt được chu kỳ lên xuống của thị trường thế giới và chính sách quản lý siết chặt; nếu lao vào, nhà đầu tư không chuyên nghiệp có thể gặp rủi ro lớn. “Kênh đầu tư BĐS đòi hỏi đầu tư vốn lớn, dưới 1 tỷ đồng thì nhà đầu tư khó tham gia thị trường” - vị này lưu ý.
Gửi tiết kiệm, liệu người dân, doanh nghiệp có mặn mà? Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc PVcombank cho biết, nhìn chung các ngân hàng vẫn kỳ vọng tăng huy động vốn trong dân. Theo ông Linh, hiện tỷ giá đã tăng hết dư địa 2% trong năm 2015 và khó lòng có thể tăng nữa. So sánh có thể thấy gửi VND vẫn chênh lệnh có lợi hơn USD ít nhất 4,5%/năm. “Do vậy gửi tiết kiệm vẫn lãi hơn găm giữ USD và tôi nghĩ nhiều khả năng người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm VND” - ông Linh nhấn mạnh.
Xu hướng cất tiền cuối năm sẽ như thế nào? TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ và chính sách tài chính cũng nhìn nhận, tiết kiệm sẽ là kênh được nhiều người lựa chọn.
“Trần lãi suất 5,5% một năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn đảm bảo hiệu quả tích cực. Người gửi tiền thậm chí có thể nhận được lãi suất cao hơn nếu họ đã chọn kỳ hạn dài hơn”, ông Lịch nói.
Theo ông, cuối năm tiền có thể chảy sang các kênh khác như BĐS, chứng khoán, nhưng ngay cả khi dòng tiền tiết kiệm sang các kênh khác cũng nên nhìn nhận đây là dấu hiệu tốt, vì nó chứng tỏ tiềm năng cho sự phục hồi kinh tế.